Xã hội
Yên Bái: Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
11:33 AM 16/07/2023
(LĐXH)-Hiện nay, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người được Yên Bái triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, trong tháng 7/2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Yên Bái (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) đã ban hành Công văn số 1675/BCĐ-CAT ngày 04/7/2023 về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”. Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh (từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/9/2023). Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; chú trọng vào các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng về phương thức, thủ đoạn phạm tội mua bán người để chủ động nhận diện, phòng tránh. Tổ chức tuyên truyền trực quan tại cơ quan, cộng đồng dân cư, nhất là tập trung tuyên truyền tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7”.
 
Công an xã Tân Hương, huyện Yên Bình tuyên truyền người dân không xuất nhập cảnh trái phép nhằm giúp tránh những rủi ro và hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội
Các Sở, ban, ngành đã tích cực triển khai công tác phòng, chống mua bán người dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong đó, hoạt động nổi bật là công tác truyền thông nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia của mọi người dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” hàng năm. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo, Đài, pa nô, tờ rơi… về phòng, chống mua bán người. Nhất là nơi đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc sinh sống. Tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục; đưa nội dung tuyên truyền phòng chống mua bán người vào các chương trình giáo công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học. Tham gia các hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác hỗ trợ nạn nhân.
Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1216/STTTT-TTBCXHS chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023. Theo đó, các cơ quan báo chí địa phương, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung vào một số nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người, trọng tâm tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước, trong và sau “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7”.
Tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông trong các đợt cao điểm phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/9/2023.
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7”, tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn xã hội, với các khẩu hiệu hành động “Tích cực hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7 và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, “Chung tay phòng, chống nạn mua bán người” và “Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội”.
Thông tin, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động; cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa; số điện thoại của Tổng đài 111 - Đường dây nóng phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia của mọi người dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tăng cường thời lượng, tần suất đăng, phát các thông tin, thông điệp tuyên truyền phòng, chống mua bán người; tăng cường kết hợp sử dụng các mạng xã hội để tuyên truyền. Thông tin, tuyên truyền định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, internet tự bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường mạng để không bị cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác thông tin thực hiện hành vi mua bán người, đồng thời đăng tải các bài viết về phòng, chống mua bán người của các cơ quan báo chí trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả tuyên truyền.
Giới thiệu, tuyên truyền nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người tại cộng đồng đang hoạt động có hiệu quả.
Ngoài các nội dung tuyên truyền nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã gửi kèm phóng sự và clip truyền thông về phòng, chống mua bán người để các đơn vị thuận tiện trong quá trình tuyên truyền tại địa phương.
Là thành viên của Ban Chỉ đạo 138 cấp tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ  tỉnh thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội hết sức đa dạng, phong phú.  
Thông tin được người dân tiếp cận qua nhiều kênh, như: báo chí, truyền hình, mạng xã hội, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng... đã nâng cao nhận thức của người dân cũng như hội viên về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, mua bán người, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình... và tự giác, tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở... 
Phòng trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Công an tỉnh phối hợp tổ chức thành công nhiều lần tại nhiều thôn, bản. Tại cơ sở, các cấp hội phối hợp tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, tội phạm mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới...
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh còn tổ chức nhiều cuộc truyền thông chuyên đề với các nội dung phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tảo hôn, xuất nhập cảnh trái phép tại một số địa bàn; trang bị kiến thức pháp luật về Luật An ninh mạng và các nội dung về nắm bắt dư luận trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh. Tại cấp huyện, thị, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã phối hợp với ngành công an và tư pháp tổ chức các buổi tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.
Có thể nói, nhờ được phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật, người dân nói chung và phụ nữ trong tỉnh Yên Bái nói riềng đã nâng cao hiểu biết, chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật, có ý thức phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tình trạng phụ nữ xuất cảnh trái phép và bị mua bán đã giảm hẳn, nhất là tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Minh Hạnh 
Từ khóa: