Yên Bái tạo điều kiện thuận lợi cho lao động người nước ngoài vào làm việc
(LĐXH)- Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện tốt công tác tiếp nhận, thẩm định trường hợp người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam đến làm việc tại tỉnh nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 368 lao động nước ngoài đang làm việc tại 55 đơn vị. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 22 người (chiếm 6% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh); số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 346 người, chiếm 94,02%. Số người lao động nước ngoài đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép lao động là 309 người (chiếm 89,3% số người thuộc diện cấp giấy phép lao động); số còn lại 37 người (chiếm 10,69%) hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp phía Nam (do Ban Quản lý các các khu công nghiệp theo dõi).
Lao động người nước ngoài chủ yếu là các nhà đầu tư, nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật làm việc tại các doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Năm 2021, Yên Bái đã thẩm định cấp giấy phép cho 230 lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh (cấp mới 201 giấy phép lao động, gia hạn 29 Giấy phép lao động). Cụ thể gồm: Quốc tịch Ấn Độ 98 người, Trung Quốc 101 người, Italia 02 người, Hàn Quốc 05 người, Philipines 08 người; Tunisian 01 lao động, Guinee 01 lao động, Ugranda 02 lao động, Liberia 02 lao động, Ukraine 01 lao động; Ghanna 06 lao động, Nam Phi 01 lao động, Nigeria 02 lao động Vị trí Giám đốc điều hành 02 người, nhà quản lý 07 người, chuyên gia 39 người, lao động kỹ thuật 182 người. Tỉnh cũng đã cấp giấy xác nhận 19 trường hợp là người nước ngoài (quốc tịch Ấn Độ 02, Trung Quốc 16, Italia 01) không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Ông Lê Văn Lượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái, cho biết: Về cơ bản các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật lao động nước ngoài; người lao động nước ngoài trước khi vào làm việc tại Việt Nam đã được doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tư vấn, phổ biến các quy định pháp luật của Việt Nam. Bản thân người lao động đã tìm hiểu về pháp luật, vị trí việc làm và phong tục tập quán nơi làm việc; tích cực phối hợp cùng chủ doanh nghiệp, đơn vị thực hiện các thủ tục cấp thị thực, thẻ tạm trú, ký hợp đồng lao động và cung cấp các giấy tờ, bằng cấp liên quan để thực hiện cấp giấy phép lao động. Người lao động nước ngoài có ý thức kỷ luật lao động trong làm việc vì vậy trong thời gian qua tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ việc nghiên trọng làm mất an ninh trật tự liên quan đến lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, cập nhật thông tin về chính sách quản lý lao động là người nước ngoài, chủ động và tự giác thực hiện đầy đủ, đúng quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc đề nghị chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; thực hiện cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, đơn vị theo quy định của pháp luật lao động như: lao động người nước ngoài khi vào làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp đều được chủ sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động theo đúng quy định, đồng thời có gửi bản sao hợp đồng đến cơ quan chuyên môn cấp giấy phép lao động để lưu hồ sơ theo yêu cầu.
Tuy nhiên, qua theo dõi, trong năm 2021, một số doanh nghiệp, đơn vị sử dụng còn một số lao động chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ nội quy lao động, các quy định về an toàn vệ sinh lao động nên để xảy ra tai nạn lao động.
Phó Giám đốc Lê Văn Lượng trao đổi: Trong năm 2022, Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành trong công tác phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để quản lý lao động nước ngoài làm việc tại địa phương, tránh xảy ra mất an ninh trật tự và rủi ro cho người lao động. Quản lý Nhà nước chặt chẽ về an ninh trật tự, đăng ký tạm trú đối với người nước ngoài vào địa phương với mục đích lao động, đặc biệt tại các địa phương có các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu có sử dụng người lao động là người Trung Quốc.
Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức và nhà thầu thực hiện đúng pháp luật lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp, nhà thầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48