7.200 lao động làm việc tại doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc chấm dứt hợp đồng lao động
(LĐXH)- Theo báo cáo ngày 9/5 về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn của Sở Lao động - TBXH Vĩnh Phúc, quý I/2023, toàn tỉnh có 5.377 lao động làm việc tại doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động (tăng 772 người so với cùng kỳ năm 2022); bốn tháng đầu năm 2023, có 7.200 lao động làm việc tại doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có quy mô công nghiệp lớn tại Việt Nam. Do đó sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, cũng như những khó khăn, thách thức ở trong nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh. Việc giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng lượng hàng tồn kho, gây nên áp lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh quý I/2023 giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,46%, riêng ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91%, ngành công nghiệp - xây dựng giảm 6,69% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo của Sở Lao động - TBXH Vĩnh Phúc, cho thấy: Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 575.500 người (chiếm 48% dân số). Cơ cấu lao động làm việc trong các ngành công nghiệp - xây dựng là 52%, làm việc trong các ngành dịch vụ chiếm 35% và lao động làm việc trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp là 13%.
Quý I năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 5.758 người, bằng 104,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 5.606 người.
Tính đến ngày 30/4/2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.806 lao động; 1.699 người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 253 người có việc làm); 158 người được hỗ trợ học nghề.
Về nhu cầu tuyển dụng lao động, theo kết quả khảo sát của Sở Lao động - TBXH, quý I năm 2023, các doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhu cầu tuyển 3.568 người (trong đó, 35,9% là lao động qua đào tạo), bao gồm: doanh nghiệp dệt may 1.254 người; doanh nghiệp da giày 480 người; doanh nghiệp điện tử 287 người; doanh nghiệp sản xuất linh kiện xe máy, ô tô 686 người; doanh nghiệp vật liệu xây dựng 125 người và doanh nghiệp khác 736 người.
Quý I năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho 5.758 người
Những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong kỳ là 505 doanh nghiệp, tăng 1,47 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 469 doanh nghiệp (tăng 1,48 lần); số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 36 doanh nghiệp, tăng 10 doanh nghiệp so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 15/4/2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường chỉ bằng 69,63% so với cùng kỳ.
Bốn tháng đầu năm 2023, có 09 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn trong đảm bảo việc làm cho người lao động, gồm: 06 doanh nghiệp điện tử, 02 doanh nghiệp dệt may và 01 doanh nghiệp in ấn.
Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc là khoảng 256.440 người (tăng trên 10.000 lao động so với quý I năm 2022). Trong đó, 0,6% lao động làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, 33,3% lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 66,1% lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng gần 132.000 lao động lao động (bằng 51,5% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).
Trong quý I năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc có 5.377 lao động làm việc tại doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động (tăng 772 người so với cùng kỳ năm 2022). Bốn tháng đầu năm 2023, có 7.200 lao động làm việc tại doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, có 09 doanh nghiệp sử dụng 4.349 lao động báo cáo gặp khó khăn về đơn hàng phải áp dụng các biện pháp về lao động đối với 3.891 lao động. Cụ thể: bố trí cho 274 lao động nghỉ phép năm; 2.739 lao động nghỉ luân phiên; 810 lao động ngừng việc người nghỉ việc luân phiên có trả lương ngừng việc; thỏa thuận cho 14 lao động nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động với 54 lao động (28 lao động làm việc trong doanh nghiệp dệt may; 26 lao động làm việc trong doanh nghiệp điện tử).
Có thể thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, song các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để ổn định sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, thương lượng các đơn hàng mới; tiếp nhận các đơn hàng trong nước lợi nhuận thấp hơn, để đảm bảo việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp thực hiện “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm các chi phí không cần thiết, để bảo đảm tiền lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp về lao động được sử dụng như bố trí cho người lao động nghỉ phép năm; nghỉ ngày thứ bảy hàng tuần; tổ chức nghỉ luân phiên... Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động ồ ạt, quy mô lớn. Hầu hết doanh nghiệp đều cố gắng đảm bảo việc làm, giữ chân người lao động.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hơn 30 cuộc họp, đối thoại, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc diễn biến tình hình, bám sát thực tiễn và có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - TBXH Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động. Kết quả, đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 14.955 lượt người. Tiếp nhận đăng ký tìm việc làm của 1.676 người lao động; giới thiệu việc làm cho 1.091 lượt người lao động; cung ứng 451 lao động cho người sử dụng lao động.
Trong bốn tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 07 phiên giao dịch việc làm (06 phiên định kỳ, 01 phiên lưu động) với 39 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia; 370 lượt lao động đăng ký tìm việc làm tại Sàn. Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp là 3.654 lao động. Số lao động đạt sơ tuyển tại Sàn giao dịch việc làm là 271 người.
Chí Tâm
-
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
11-01-2025 08:31 28
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
17-12-2024 16:44 28
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46