Xã hội
An Giang: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn tại cộng đồng
03:16 PM 22/09/2016
An Giang là tỉnh nằm ở khu vực miền Tây Nam Bộ, với dân số trên 2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Thêm vào đó, số lượng đối tượng bảo trợ xã hội đông với trên 59 nghìn người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.
Trong thời gian qua, cùng với việc thực hiện các hoạt động khác, Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, trong đó có trẻ em, đối tượng yếu thế về việc sử dụng những dịch vụ công tác xã hội, giúp giải quyết các vướng mắc trong cuộc sống, gia đình và xã hội.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, thông qua hoạt động tư vấn, Trung tâm đã tư vấn trực tiếp tại đơn vị cho trên 174 trường hợp về các vấn đề như: Hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị xâm hại, trẻ quan hệ sớm dẫn đến mang thai trong độ tuổi vị thành niên, trẻ lang thang, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bị bạo hành; tư vấn cho gia đình trẻ cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ bị tự kỷ, trẻ chậm nói, kém vận động… Điển hình là trường hợp trẻ chậm nói sinh năm 2012 tại phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, do gia đình đưa đến trợ giúp. Trung tâm đã hỗ trợ tâm lý, trị liệu cho trẻ và hiện tại, trẻ đã biết nói một số từ đơn giản. Trường hợp cháu bé sinh năm 2007 tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn bị xâm hại cũng được Trung tâm tư vấn hỗ trợ. Ngay sau khi nhận được thống tin của Phòng Lao động – TBXH huyện, Trung tâm đã thu thập thông tin ban đầu, xác định vấn đề của trẻ, tư vấn hỗ trợ tâm lý và nhu cầu của trẻ và gia đình. Hiện nay, sức khỏe và tâm lý của trẻ đã ổn định, Trung tâm tiếp tục thăm hỏi và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ và gia đình.
Truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người cho người dân tại thị xã Tân Châu
Bên cạnh đó, Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh đã tiếp nhận hơn 120 cuộc gọi tư vấn qua điện thoại, bao gồm các vấn đề liên quan đến trẻ em như: Tư vấn ổn định tâm lý trẻ bị xâm hại, trẻ quan hệ sớm dẫn đến mang thai, thăm hỏi tình hình sức khỏe của trẻ, tư vấn kiến thức pháp luật cho trẻ và gia đình. Đồng thời, tư vấn cho cha mẹ có trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, biết cách nuôi dạy trẻ và trò chuyện với trẻ, giúp các em phát triển tốt hơn. Tư vấn lưu động tại cộng đồng như: Thu thập thông tin 01 trường hợp nghi bị mua bán người tại phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên; 01 trường hợp trẻ bị dâm ô tại phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc; 01 trường hợp trẻ bị xâm hại tại thị xã Tân Châu; 01 trường hợp trẻ mang thai sớm ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và huyện Thoại Sơn; 01 trường hợp trẻ bị xâm hại ngụ tại thị xã Tân Châu; vãng gia thu thập thông tin, hỗ trợ tư vấn về học tập cho trẻ bị mua bán trở về tại Trường Tiểu học Phan Châu Trinh, thành phố Long Xuyên…
Với địa bàn giáp ranh biên giới Campuchia, những năm trước, tình trạng buôn bán người ở An Giang khá phức tạp. Nguyên nhân cơ bản là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; thông thoáng trong xuất nhập cảnh; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh; hệ thống chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực. Trước tình hình đó, Trung tâm đã tăng cường hoạt động tư vấn qua Tổng đài Trung tâm kết nối đường dây nóng phòng chống mua bán người 18008077. Đường dây nóng được chính thức vận hành giữa năm 2014, do Tổ chức JICA Nhật Bản hỗ trợ thực hiện. Đến nay, Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 6.039 cuộc gọi tư vấn từ Tổng đài, trong đó có 560 cuộc gọi liên quan đến mua bán người; 185 cuộc gọi giải đáp, tư vấn thông tin chung. Điển hình là 01 trường hợp trẻ 15 tuổi (ngụ tại phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên) nghi bị mua bán người do mẹ, ông ngoại và bà ngoại là người trực tiếp bán trẻ sang Trung Quốc. Hiện nay, vẫn chưa liên lạc được với trẻ. Trung tâm đã kết nối, chuyển hồ sơ tiếp nhận thông tin ban đầu qua Công an tỉnh An Giang và đang xác minh, điều tra sự việc.
Nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục cho học sinh, phụ huynh, người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2015, Trung tâm đã tổ chức 02  lớp tập huấn “Kỹ năng truyền thông về phòng, chống mua bán người” cho cán bộ địa phương các xã Quốc Thái, huyện An Phú và phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc; 60 buổi truyền thông nhóm với chủ đề “Phòng tránh bạo lực học đường và Phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em”; 5 lớp tập huấn “Kiến thức và kỹ năng nuôi dạy trẻ phù hợp với lứa tuổi dành cho cha mẹ và người nuôi dưỡng trẻ”…
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình nâng cao  nhận thức cho người dân, người chăm sóc trẻ, trẻ em về các vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh hoạt động truyền thông tư vấn giáo dục trên địa bàn; xây dựng kế hoạch quảng bá Tổng đài 18008077 trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức khác nhau; mở các lớp tập huấn dành cho cha mẹ trẻ và người nuôi dưỡng trẻ nhằm giảm tỷ lệ trẻ bị xâm hại và trẻ tham gia vào các tệ nạn xã hội; kết hợp hỗ trợ trị liệu tâm lý và dạy ngôn ngữ cho trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ.
Hồng Phượng
Từ khóa: