Bắc Giang: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
(LĐXH) - Những năm qua, công tác giảm nghèo tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện. Các dự án, chính sách, hoạt động hỗ trợ người nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng quy định, qua đó giúp đối tượng có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh chú trọng hỗ trợ phát triển mô hình giảm nghèo, với các dự án chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân vươn lên thoát nghèo
Bắc Giang là một tỉnh miền núi, nằm ở khu vực phía Đông Bắc, diện tích tự nhiên 3.895 km2; đơn vị hành chính có 01 thành phố loại II, 08 huyện và 01 thị xã mới được thành lập từ tháng 01/2024; tỉnh có 209 xã, phường, thị trấn; dân số trung bình năm 2023 là 1,9 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 14%; có 01 huyện nghèo và 28 xã đặc biệt khó khăn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 12.558 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm so với năm 2022 là 5.388 hộ, tương đương với tỷ lệ giảm 1,18%, vượt kế hoạch đề ra; có16.215 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%, giảm so với năm 2022 là 3.584 hộ, tương đương với tỷ lệ giảm 0,8%. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng, vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh đề ra.
Tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 11 Kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững. Sở Lao động- TBXH đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; kịp thời hướng dẫn UBND cấp huyện cách thức tổ chức thực hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo. Các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, các dự án giảm nghèo được giao chủ trì thực hiện tại địa bàn được phân công phụ trách.
Tổng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo đã phân bổ giai đoạn 2022-2024 cho tỉnh Bắc Giang là 707,9 tỷ đồng (năm 2022 là 143,3 tỷ đồng; năm 2023 là 284,7 tỷ đồng; năm 2024 là 279,8 tỷ đồng), trong đó: Ngân sách trung ương là 606,3 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 101,5 tỷ đồng. Kết quả giải ngân nguồn vốn: Năm 2022, giải ngân 134,2/143,3 tỷ đồng, đạt 93,7%. Năm 2023, giải ngân 194,5/284,7 tỷ đồng, đạt 68,3%.
Từ nguồn vốn được phân bổ, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án. Trong đó, đối với Tiểu Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tỉnh đã hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng 35 công trình sửa chữa đường giao thông liên thôn, sửa chữa trạm bơm, cứng hóa kênh mương. Đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tính đến hết tháng 01/2024, đã thực hiện 144 dự án, trong đó có 11 dự trồng trọt và 133 dự án chăn nuôi, tổng số hộ hưởng lợi là 1.681 hộ nghèo, 1.362 hộ cận nghèo, 335 hộ thoát nghèo.
Về dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tỉnh đã đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang với kinh phí là 4,4 tỷ đồng; xây dựng Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang với kinh phí 12,9 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/01/2024, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.878 người.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình như đã tổ chức 70 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 13.462 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; Tổ chức 32 cuộc trao đổi, học tập kinh nghiệm cho 1.072 cán bộ làm công tác giảm nghèo; Tổ chức kiểm tra công tác quản lý về giảm nghèo tại các xã thực hiện dự án, mô hình qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở các thôn, bản có thêm kiến thức và kỹ năng tổ chức thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo tại 10/10 huyện, thành phố; đẩy mạnh công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Bắc Giang cho biết: Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh đã chú trọng huy động nguồn lực ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện các chương trình. Bên cạnh nguồn vốn trung ương, ngân sách tỉnh đã bố trí phần vốn thực hiện, đồng thời chủ động huy động thêm nguồn lực trong nhân dân. Nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân bổ theo tiêu chí, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, đúng hướng dẫn của Trung ương; các dự án hợp phần được đầu tư hỗ trợ đúng địa bàn đối tượng, đảm bảo chế độ, chính sách quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp với thực tiễn, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giảm nghèo, đa phần người nghèo, hộ nghèo đã ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc chủ động vươn lên thoát nghèo. Phong trào xã hội hoá về giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện, thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, nhân dân đã làm tốt công tác vận động, phân công đoàn viên, hội viên giúp nhau về giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tất cả 100% đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác giảm nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bắc Giang cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Triển khai Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hiện nay không có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đối với Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 - Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đối tượng thụ hưởng dự án này đi làm việc ở nước ngoài không nhiều, nên kết quả giải ngân thấp. Mặt khác, theo hướng dẫn tại Văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gửi cho Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, có nêu: Trung tâm GDNN-GDTX không thuộc đối tượng thụ hưởng các nội dung về giáo dục nghề nghiệp của 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Bộ Lao động - TBXH chưa có văn bản trả lời chính thức. Do vậy, gây khó khăn cho các Trung tâm GDNN-GDTX khi thực hiện đấu thầu đặt hàng, sửa chữa nhà xưởng.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo, trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, cụ thể là: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước; các Công văn chỉ đạo về tiến độ giải ngân của UBND tỉnh. Đôn đốc các chủ đầu tư kịp thời tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán, giải ngân tại Kho bạc Nhà nước đối với các dự án. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành.
Đối với các địa phương cần có giải pháp huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đặc biệt là các xã, thôn có điều kiện kinh tế khó khăn; quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo nhằm tập trung giải quyết thiếu hụt các chỉ số về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt…; cân đối đảm bảo nguồn lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nhằm phát huy có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội cũng như các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt giám sát việc đầu tư ngân sách để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp người nghèo, đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48