Lao động
Bắc Giang: Phấn đấu giải quyết việc làm cho 32.500 lao động
02:27 PM 23/02/2023
(LĐXH) – Theo Kế hoạch triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm năm 2023, tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 32.500 lao động, trong đó đưa 1.650 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho 32.500 lao động
Theo đó, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu giải quyết việc làm cho 32.500 lao động, trong đó đưa 1.650 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho 29.000 người (trong đó, Cao đẳng 870 người, Trung cấp 2.850 người, Sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 25.280 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 76%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 33%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65%.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng và tư vấn về nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề và việc làm sau đào tạo đối với lao động trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế; thu hút một số ngành, nghề có nhu cầu sử dụng nhiều lao động về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ. Thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động theo quy định của Luật Việc làm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho 29.000 người
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Định hướng, chọn lựa các thị trường lao động có uy tín, thu nhập cao, ổn định, ưu tiên tuyển chọn lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài; các chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp triển khai thực hiện để cung cấp thông tin cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện nghiêm túc hợp đồng lao động đã ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài, không được tự ý phá vỡ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài.
Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm. Triển khai việc cho vay vốn hỗ trợ việc làm theo hướng tập trung, có hiệu quả, vững chắc; khắc phục tình trạng chia bình quân, dàn trải; ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu hút lao động tại chỗ vào làm việc.
Tăng cường và nâng cao chất lượng, năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động việc làm. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm trên địa bàn; Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước; thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp nhằm phát hiện và kịp thời đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực dạy nghề, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động và bảo hiểm xã hội; Các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố quan tâm, tập huấn nâng cao năng lực quản lý lao động, việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác giải quyết việc làm cấp huyện, cấp xã…/.
Hưng Cảnh