Xã hội
Bắc Giang: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo năm 2024 tại huyện Lục Nam
03:42 PM 20/06/2024
(LĐXH) - Ngày 19/6, tại huyện Lục Nam, Sở Lao động – TBXH tỉnh Bắc Giang đã tổ chức buổi tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo năm 2024 cho gần 190 cán bộ là lãnh đạo UBND xã, cán bộ phụ trách Lao động – TBXH hoặc cán bộ được phân công triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; cán bộ thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Lục Nam.
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, Giảng viên, Tiến sỹ Lê Thị Thủy - Trường Đại học Lao động Xã hội đã truyền đạt trọng tâm Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 15/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hướng dẫn của liên Sở Lao động - TBXH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính. Thông tư số 03/2024/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2024 của Bộ Lao động – TBXH hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Cùng đó các đại biểu còn được nghiên cứu, nắm rõ hơn về Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bắc Giang Quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.
Xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ làm công tác giảm nghèo, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - TBXH tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo. Tham dự tập huấn, các đại biểu đã được thông tin về các nội dung như: một số lý luận liên quan về nghèo đa chiều; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; quy định trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện các Chương trình MTQG.
Thông qua tập huấn, nâng cao kiến thức, phương pháp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với tình hình thực tiễn ở địa phương cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Qua đó, góp phần đảm bảo thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đối tượng và đạt hiệu quả, bền vững.
Thực hiện Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh Bắc Giang được phân bổ tổng nguồn vốn là 16,14 tỷ đồng (năm 2022 là 3,55 tỷ đồng; năm 2023 là 5,58 tỷ đồng; năm 2024 là 7 tỷ đồng). Kết quả giải ngân, vốn năm 2022 và chuyển nguồn giải ngân trong năm 2023 đã giải ngân 3,55/3,55 tỷ đồng, đạt 100%. Vốn năm 2023, giải ngân 4,67/5,58 tỷ đồng, đạt 83,6 % kế hoạch. Vốn năm 2024, tỉnh đang triển khai thực hiện.
Từ nguồn vốn này, tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị thực hiện. Tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn được 70 lớp nâng cao năng lực cho 13.462 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tổ chức 32 cuộc trao đổi với học tập kinh nghiệm cho 1.072 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, tổ chức kiểm tra công tác quản lý về giảm nghèo tại các xã thực hiện dự án, mô hình qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở các thôn, bản có thêm kiến thức và kỹ năng tổ chức thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo hiệu quả hơn.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, đến cuối năm 2023, tỉnh Bắc Giang còn tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo là 28.773 hộ, chiếm tỷ lệ 6,03%, trong đó hộ nghèo có 12.558 hộ, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm so với năm 2022 là 5.388 hộ, tương đương với tỷ lệ giảm 1,18%; Hộ cận nghèo có 16.215 hộ, chiếm tỷ lệ 3,40%, giảm so với năm 2022 là 3.584 hộ, tương đương với tỷ lệ giảm 0,8%. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng./.

Hồng Phượng
 
Từ khóa: