Bắc Kạn: Giải quyết linh hoạt chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động
(LĐXH) – Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động.
Tỉnh Bắc Kạn có lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80%. Khi người lao động là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực miền núi, vùng cao thất nghiệp tác động rất lớn đến đời sống nên tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống.
Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã nỗ lực triển khai, chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Kạn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh thực hiện việc giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Trung tâm DVVL tỉnh cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Bưu điện tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức như: Lồng ghép trong các chương trình tập tuấn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho các đơn vị, doanh nghiệp; thông qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến và đối thoại pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với Liên đoàn lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hàng nghìn lượt thông tin về bảo hiểm thất nghiệp trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn… Đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ về tận địa bàn các huyện, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các trường học, trường nghề hướng dẫn, trao đổi, tổ chức tọa đàm về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về chính sách bảo hiểm thất nghiệp được nâng lên; lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nắm vững các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp để tham gia, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo đúng quy định. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến hết tháng 04/2023, số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là gần 17.300 người, đạt 86% kế hoạch, tăng gần 400 người so với cùng kỳ năm 2022.
Người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời gian qua, Trung tâm DVVL tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong đó có mô hình “Cafe việc làm”. Thứ hai và thứ năm hàng tuần, người lao động đến làm thủ tục hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp được phục vụ miễn phí nước uống, cafe. Trong quá trình chờ làm thủ tục, người lao động vừa nghỉ ngơi vừa được cán bộ Trung tâm trao đổi, tư vấn chính sách về lao động việc làm, chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động cũng được cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các lớp học nghề đã và đang chuẩn bị mở trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn cho biết, mô hình “Cafe việc làm” nhằm tạo sự thân thiện, hỗ trợ tối đa cho người lao động đến giải quyết thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm mới. Ngoài ra, người lao động cũng có không gian để trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ngoài ra, Trung tâm cũng triển khai mô hình “Một cửa gần dân” và mô hình tiếp đón người lao động “Một điểm dừng”. Khi người lao động đến Trung tâm sẽ được hưởng tất cả các dịch vụ hành chính công, kể cả người đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hướng dẫn mở các tài khoản online để tham gia các phiên hỗ trợ tìm việc trực tuyến, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về chế độ chính sách liên quan đến lao động, việc làm.
Những mô hình Trung tâm DVVL triển khai đã giúp người lao động có thêm địa chỉ uy tín, thân thiện trong việc giải quyết chế độ chính sách và hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới. 2 mô hình “Một của gần dân” và “Cafe việc làm” của Trung tâm đã được Uỷ ban MTTQVN tỉnh Bắc Kạn công nhận là mô hình đoàn kết, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận 739 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có 578 hồ sơ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và số tiền chi trả là hơn 8 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tích cực thực hiện trợ cấp cho người lao động thất nghiệp, Trung tâm còn hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới thông qua đổi mới các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề để chuyển đổi công việc nếu có nguyện vọng. Mỗi năm đơn vị hỗ trợ cho khoảng 50 lao động thất nghiệp học nghề để chuyển đổi nghề mới.
Trong thời gian tới, Trung tâm DVVL Bắc Kạn sẽ tăng cường công tác tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động để có cơ hội quay lại thị trường lao động. Giảm số lượng người lao động phải mất việc và hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp./.
Hưng Cảnh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48