Xã hội
Bắc Kạn phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"
04:02 PM 20/09/2020
LĐXH)- “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý của dân tộc ta. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, chú trọng tới các hoạt động tri ân chăm sóc thương, bệnh binh, gia liệt sĩ và thân nhân của họ bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với cả nước, quân và dân tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào cuộc chiến tranh giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn người con ưu tú của quê hương Bắc Kạn đã lên đường nhập ngũ, nhiều người trong số ấy mãi mãi không trở về, có người bỏ lại một phần cơ thể trên các chiến trường xa xôi để cùng toàn dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Toàn tỉnh hiện có 21.282 người có công với cách mạng, trong đó có 2.439 người có công và thân nhân người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn thăm và tặng quà người có công nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ được quan tâm với trách nhiệm và tình cảm, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả thông qua các chương trình tình nghĩa như: xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật liệu để xây nhà ở; chăm sóc phụng dưỡng các "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nâng cấp các hạng mục nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ; tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, thăm hỏi động viên vào các dịp lễ, tết…
Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình chính sách, người có công đã trở thành nét đẹp văn hóa của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn được thể hiện qua các việc làm cụ thể như: thăm hỏi, động viên, tặng quà của Trung ương và địa phương nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và các ngày lễ, tết nhằm góp phần động viên tinh thần thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.
Tính từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã chi trả trên 170 tỷ đồng tiền trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho các đối tượng người có công (trung bình mỗi năm chi trả hơn 73 tỷ đồng) và hơn 12 tỷ đồng tiền trợ cấp một lần, cấp thẻ BHYT cho 17.940 lượt người. Ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 1.516 hộ người có công nhà ở với tổng kinh phí thực hiện hơn 47,053 tỷ đồng (làm mới 824 nhà và sửa chữa 692 căn). Tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho 2.220 lượt người, trong đó có 1.064 lượt người thuộc diện được hưởng chế độ điều dưỡng tập trung, 1.156 lượt người điều dưỡng tại nhà...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã quyết định cấp kinh phí thực hiện việc hỗ trợ cho các địa phương để chi trả cho 2.420 đối tượng người có công với tổng số tiền là 3,63 tỷ đồng.
Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH cho biết: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, việc triển khai thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Bắc Kạn luôn được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần nâng cao đời sống người có công và gia đình chính sách. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các gia đình chính sách vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chí Tâm

Từ khóa: