Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
(LĐXH)- Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ sinh kế thiết thực kết hợp với phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả đã giúp cuộc sống của nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Hòa Bình được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.
Theo báo cáo về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nguồn vốn được cấp để thực hiện Dự án về đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là gần 112 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang triển khai thực hiện 148 dự án. Trong đó, có 6 dự án trồng trọt và 142 dự án chăn nuôi với tổng số hộ hưởng lợi là 5.322 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, mức hỗ trợ bình quân là 16 triệu đồng/hộ. Các địa phương chủ yếu hỗ trợ con giống cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình để chăn nuôi bò lai Sind sinh sản, dê.
Tại xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình - nơi có trên 60% dân số là đồng bào DTTS, nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mô hình sinh kế chăn nuôi lấy nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường được triển khai cách đây hơn 2 năm và đang được nhân rộng đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Hòa Bình phát triển nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực giúp các hộ nghèo có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xóm Thăng, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình là một hộ thuộc diện khó khăn, trong gia đình có người mắc bệnh tâm thần không có khả năng lao động. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hùng cho biết: Anh là lao động chính trong gia đình. Kinh tế gia đình anh chủ yếu trông chờ vào việc làm ruộng, làm nương nên không đủ để chi trả cho sinh hoạt hàng ngày. Được hỗ trợ 120 con gà giống trong CTMTQG giảm nghèo bền vững được UBND thành phố Hòa Bình triển khai, cùng với kiến thức được tập huấn anh đã bắt tay ngay vào triển khai mô hình nuôi gà và đạt được những kết quả khả quan. Bằng nguồn thu nhập từ chăn nuôi, anh Hùng đã học hỏi và triển khai thêm mô hình trồng bưởi. Với sự nỗ lực của bản thân cùng nguồn ngân sách của CTMTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ, hiện tại gia đình anh Hùng đã xây dựng được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp, cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt.
Hưởng lợi từ chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhiều hộ gia đình ở xã Tú Lý, huyện Đà Bắc tham gia dự án chăn nuôi dê sinh sản đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Bà Lường Thị Ón, xã Tú Lý cho biết: "Chương trình rất phù hợp điều kiện vùng cao với phương thức chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên người dân tự tin trong công việc chăn nuôi, các gia đình đều phấn khởi vì đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt và nhân lên hàng chục dê con. Nhờ đó, đời sống các gia đình được nâng lên đáng kể do có nguồn thu từ việc bán dê thương phẩm".
Để người dân khi được trao chiếc “cần câu” biết sử dụng hiệu quả, từ thực tế ở Hòa Bình, ông Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình phân tích: Ngoài ý chí tự lực, tự cường, các hộ nghèo ở tỉnh hiện nay cần được trang bị thêm một số những kiến thức, kỹ năng để có thể nâng cao năng lực, tự vươn lên phát triển sinh kế cho bản thân và gia đình, cụ thể là:
- Thứ nhất là phải tuyên truyền để khơi dậy được ham muốn làm giàu của người dân, chứ đừng để họ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Điều đó rất nguy hiểm! Bà con mình thực sự rất tốt nhưng hay bằng lòng với cái mình có, có một chút đã hài lòng và không làm nữa.
- Thứ hai là bà con cần được hỗ trợ học nghề phù hợp đối với các thành viên hộ gia đình nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu và khả năng học nghề để thông qua đó tự nâng cao năng lực của bản thân và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập.
- Thứ ba là cần được tập huấn hay hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng một cách bài bản về chăn nuôi, trồng trọt với những vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để từ đó các hộ gia đình biết cách chăn nuôi, trồng cấy để tạo ra những vật nuôi, cây trồng cho chất lượng tốt, năng suất cao phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và phát triển kinh tế hộ gia đình.
- Thứ tư là cần phải tuyển chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ và hướng dẫn cho các gia đình nghèo, cận nghèo giúp họ có các kỹ năng cần thiết để sản xuất ra các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp liên kết chuỗi và mang lại thu nhập thường xuyên, ổn định, từ đó giúp các hộ nghèo cải thiện cuộc sống ./.
Mỹ Linh
Từ khóa:
mô hình hỗ trợ sinh kế
-
Thị xã Ngã Năm: Triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo
03-12-2024 11:04 32
-
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy
03-12-2024 11:01 09
-
Hải Phòng: Vốn vay giải quyết việc làm mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 5 nghìn lao động
02-12-2024 13:21 20
-
Lạng Sơn: Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng
01-12-2024 19:14 18
-
Bàn giao Công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
30-11-2024 15:15 02
-
Quận 6: Kết quả phúc tra hiện không còn hộ nghèo
30-11-2024 15:14 28
English Review
Minister Dao Ngoc Dung welcomed UNICEF Representative in Vietnam
English Review | 02-12-2024 08:51 01