Xã hội
Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở huyện Đồng Văn
03:38 PM 11/10/2024
(LĐXH) – Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo đã giúp người dân ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Huyện Đồng Văn có hơn 17 nghìn hộ dân, trong đó có hơn 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Là địa phương có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá tai mèo; khí hậu khắc nghiệt; thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vẫn còn cao, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã thực hiện rất quyết liệt, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo tập trung thực hiện từ huyện đến cơ sở.Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp được thành lập, kiện toàn, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, tiểu dự án. Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là 150,249 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 84,824 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 65,425 tỷ đồng.

Mô hình nuôi bò vỗ béo giúp người dân xã Tả Lủng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

Huyện triển khai nhiều dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo như: Dự án chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi dê, lợn nái sinh sản, trồng cây nho hạ đen hay trồng măng lục trúc… đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định đời sống người dân. Năm 2023, gia đình anh Vàng Vả Máy, thôn Sà Phìn B, xã Sà Phìn là một trong những hộ dân được hỗ trợ kinh phí để mua bò vỗ béo, thuộc dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi và sự chăm chỉ, cần cù trong lao động đàn bò gia đình anh luôn phát triển ổn định. Từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình anh đã bán được 6 lứa bò, mỗi lứa cũng thu về cho gia đình 20 – 30 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh Máy đã có kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng khởi sắc.
Ngoài mô hình nuôi bò địa phương vỗ béo từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã Sà Phìn còn triển khai nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được người dân thực hiện như: Mô hình nuôi lợn nái sinh sản, nuôi dê, ong lấy mật…mỗi năm từ các mô hình trên cũng giúp người dân có thu nhập dao động trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, từ các mô hình đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập, đời sống người dân được nâng lên. Nhiều hộ sau khi thoát nghèo đã có khát vọng bứt phá, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xác định việc giảm nghèo nhanh, bền vững là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, bên cạnh các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế xã hội của cấp uỷ, chính quyền nhiều hộ dân ở xã Tả Lủng đã và đang từng bước thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà tự vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Đến nay, xã đã có nhiều mô hình kinh tế điển hình mang lại thu nhập cao như: mô hình nuôi ong lấy mật, bò vỗ béo, lợn nái sinh sản, mô hình trồng cây sâm khoai
 
Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Vàng Mí Sính, thôn Há Súng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, gia đình chỉ nuôi từ 1 – 2 con, số lượng nhỏ lẻ manh mún, nhận thấy việc nuôi nhỏ lẻ khó mang lại thu nhập cao, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua thêm 5 con bò để nuôi vỗ béo kết hợp sinh sản. Nhờ am hiểu về kiến thức, do vậy đàn bò nhà anh đã phát triển rất tốt, mặc dù một hai năm gần đây giá bò có xu thế chững lại nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh cũng thu về trên 200 triệu đồng.
Nhận thấy vùng đất nơi mình sinh sống có nhiều thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng như diện tích cây hoa bạc hà lớn. Do đó, anh Hầu Mí Thò đã lựa chọn mô hình nuôi ong lấy mật để phát triển kinh tế cho gia đình. Bằng sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, chỉ trong vài năm, số đàn ong mật của gia đình đã lên đến gần 100 đàn. Nhờ đó, mà gia đình anh có nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các chi phí. Với mức thu nhập trên, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà đã có một cuộc sống ổn định, con cái được học hành, nhà cửa khang trang...
Thực hiện công tác giảm nghèo và Phong trào “Đồng Văn chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2024, từ năm 2021 đến nay, qua quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo, góp phần chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Đại bộ phận hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các chính sách và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, nhiều hộ đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập khá trở lên, có ý chí quyết tâm, chăm chỉ làm ăn, hợp tác để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm qua liên tục tăng, cụ thể: năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6%, năm 2022 giảm 6,2%, năm 2023 giảm 7%. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 11% tương đương với 1.879 hộ thoát nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2024 còn 9.329 hộ nghèo đa chiều.
Để đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 11% trong năm 2024, huyện Đồng Văn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo để người dân tiếp cận tham gia; Khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia phát triển các mô hình phát triển kinh tế, lựa chọn các cây, con phù hợp tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập…/.
Hưng Cảnh
Từ khóa: