Xã hội
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
05:18 PM 10/09/2024
(LĐXH)- Xác định thực hiện công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, những năm qua, cùng với việc nỗ lực triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, tỉnh Hòa Bình đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.
Về chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ năm 2021-2024 tỉnh đã tổ chức mua, cấp phát khoảng hơn 1,88 triệu thẻ BHYT miễn phí cho 92,72 nghìn lượt người nghèo, hơn 24,86 nghìn lượt người nghèo đa chiều thiếu hụt BHYT, hơn 1 triệu lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, hơn 32,2 nghìn lượt người sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hơn 80,6 nghìn lượt người thuộc hộ cận nghèo, gần 48,9 nghìn lượt người là đối tượng bảo trợ xã hội và một số đối tượng khác với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1.300 tỷ đồng.
Công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo được triển khai ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh được quan tâm thực hiện, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Thông qua Quỹ “Vì người nghèo” giai đoạn 2021-2023 tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.308 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 52,5 tỷ  đồng.
Tỉnh cũng thực hiện tốt việc hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và thực hiện chính sách đối với giáo viên mần non, chính sách ưu tiên đối với học sinh mẫu giáo, học sinh dân tộc rất ít người; cấp học bổng cho học sinh dân tộc nội trú; cấp học bổng và phương tiện cho học sinh khuyết tật; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp với tổng  kinh phí đã phân bổ trong 4 năm là trên 810 tỷ  đồng.

Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh  đã phân bổ kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội khoảng trên 81 tỷ  đồng.
Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, các huyện, thành phố đã thường xuyên xét duyệt hồ sơ và ra quyết định cho các đối tượng Bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hàng tháng. Số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 6/2024 là 33.467 đối tượng (gồm có 10.717 người cao tuổi; 13.606 người khuyết tật; 71 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng và 9.073 đối tượng khác). Tổng số đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội là 192 đối tượng gồm 9 người cao tuổi cô đơn; 149 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 29 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 5 đối tượng khác. Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2021-2024 là hơn 750 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện cứu trợ cho 3.413 khẩu thuộc hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gần 52 tấn gạo; Quỹ Thiện Tâm tập đoàn VINGROUP tặng 2.854 suất quà cho các hộ người có công, hộ nghèo, trẻ em khó khăn trị giá 1,7 tỷ đồng.
Về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, giai đoạn 2021-2024, Ngân hàng chính sách xã hội  (NHCSXH) tỉnh đã cho trên 116 ngàn lượt khách hàng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách để sản xuất kinh doanh và phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác. Lũy kế đến cuối tháng 5/2024 có trên 102 ngàn hộ đang sử dụng vốn của NHCSXH. Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần quan trọng giúp cho trên 13 ngàn hộ thoát khỏi ngưỡng đói nghèo, xây dựng được trên 64 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, 346 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; giải quyết cho 24.129 lao động có việc làm mới, hỗ trợ cho 324 lao động có kinh phí để đi làm việc ngoài nước; có 570 đối tượng là hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách mua được nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà ở thông qua chương trình cho vay nhà ở xã hội (theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP), trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và đặc biệt khó khăn được vay vốn với lãi suất thấp để mua đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề.
Vốn vay từ các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giúp hỗ trợ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 800 lao động; trang bị 239 máy tính phục vụ học tập cho học sinh, sinh viên các cấp học; xây mới 02 căn nhà ở và mua 26 căn nhà ở xã hội; hỗ trợ 05 cơ sở giáo dục, mầm non ngoài công lập phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid-19. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đã giúp cho 64 đối tượng chấp hành xong án phạt tù có vốn để sản xuất kinh doanh, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng vào dịp Tết nguyên đán hằng năm, tỉnh đã trích ngân sách để hỗ trợ các hộ nghèo ăn tết. Trong 04 năm (2021 – 2024), tổng số tiền tỉnh hỗ trợ các hộ nghèo là gần 50,76 tỷ đồng.  
Việc triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo đã góp phần giúp đời sống của người nghèo được cải thiện, góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh Hòa Bình./.
Quang Tuấn