Lao động
Bảo hiểm thất nghiệp và một số mục tiêu hướng đến...
12:45 PM 23/03/2023
(LĐXH) - Hạn chế thất nghiệp, ổn định đời sống người lao động trong thời gian bị mất việc làm là mục tiêu chung của mỗi quốc gia. Chính vì vậy BHTN đang trở thành là một trong những chính sách được ưu tiên nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai rộng khắp với nhiều mục tiêu mang tính nhân văn sâu sắc…
Đến cuối năm 2022 có trên 14 triệu người tham gia BHTN
Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương, số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể là năm 2015 có 10.308.180 người tham gia tăng 11,8% so với năm 2014; năm 2016 có 11.061.562 người tham gia tăng 7,3% so với năm 2015, năm 2017 có 11.774.742 người tham gia tăng 8,1% so với năm 2016 và tính đến cuối năm 2022 có trên 14 triệu người tham gia…
Để có được những thành công này, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội cũng như người lao động và bản thân người làm công tác liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp phải nỗ lực không ngừng với phương châm 3 đúng “Đúng đối tượng - đúng chế độ - đúng thời hạn” khi giải quyết các chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế…
Với mục tiêu, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch. Cụ thể là đến đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng trên 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN và đến năm 2035: phấn đấu đạt khoảng trên 55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN...
Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng
Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Ban Chấp hàng Trung ương ban hành đã nêu rõ: Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, cần  hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán và thông tin báo cáo về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... Tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách nhà nước. Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi cấu trúc của thị trường lao động…
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó chú trọng nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
Nguyễn Hữu Bắc