Theo báo cáo của Ban Tổ chức, để chuẩn bị cho Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V năm 2016 tại thành phố Cần Thơ, ngay sau khi kết thúc hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ tư, năm 2013, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhiều địa phương đã chủ động phát động phong trào sản xuất thiết bị đào tạo tự làm để tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp cơ sở và lựa chọn những thiết bị chất lượng, tiêu biểu để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh và chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia.
Hàng trăm sản phẩm thiết bị và hàng ngàn giáo viên đã tham gia hội thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Hội thi là một hoạt động chuyên môn và thực sự đã trở thành ngày hội của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, là sân chơi để hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những kiến thức, công nghệ mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để cải tiến và sản xuất thiết bị đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Hội thi đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng và một số trường đại học trong toàn quốc với gần 1.000 thiết bị. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát huy khả năng sẵn có, thực hiện nhiệm vụ vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu để sản xuất thiết bị, làm phong phú thêm nguồn trang thiết bị đào tạo.
Hội thi lần thứ V, năm 2016 có 50/63 địa phương với tổng số thiết bị dự thi là 359 thiết bị đến từ 161 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, so với Hội thi trước số thiết bị đã tăng hơn 20%. Hội thi lần này đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp. Điều đó đã thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và của các cơ quan quản lý. Sự đa dạng của thiết bị tự làm tại Hội thi năm nay đã một lần nữa chứng tỏ thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.
Theo đánh giá chung của ban Tổ chức Hội thi cho biết: Qua kiểm nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tính sư phạm, các thiết bị đem đến Hội thi toàn quốc lần thứ V thực sự trở thành những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học. Việc tổ chức dạy trên các mô hình, thiết bị dàn trải của các tác giả, nhóm tác giả dự thi là sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học làm tăng tính trực quan, giúp nguời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề, đồng thời gây hứng thú cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy, điển hình như: “Mô hình hệ thống điện chiếu sáng, tín hiệu trên ô tô dùng mạng truyền thông” của nhóm tác giả thuộc trường trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội; “Mô hình nghề khai thác hải sản bằng lưới vây” của nhóm tác giả thuộc trường cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản; “Mô hình thí nghiệm hệ thống tự động bằng khí nén” của nhóm tác thuộc trường cao đẳng nghề Đà lạt.
Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điển hình như: “Đồ gá hàn đa năng”của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Dịch vụ - Việc làm Long An; “mô hình trồng rau thủy canh”của nhóm tác giả thuộc trường cao đẳng nghề công nghệ và nông lâm Nam bộ.
Hội thi lần này, ngoài việc nâng cao tính sư phạm, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, các tác giả, nhóm tác giả dự thi đã quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị, do vậy nhiều thiết bị dự thi có kết cấu, hình thức đẹp, giá thành rẻ hơn so với giá của những thiết bị có sẵn bán ngoài thị trường như: “Mô hình hệ thống lạnh cơ bản” của nhóm tác giả thuộc Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh; “Mô hình máy phay CNC 4 trục phục vụ giảng dạy” của nhóm tác giả thuộc trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An; “Mô hình truyền lực chính cầu sau và hệ thống phanh khí nén dùng lốc kê” của nhóm tác giả thuộc trường Trung cấp nghề KT-KT Bắc Nghệ An;
Điểm nổi bật nữa của hội thi năm nay là nhiều thiết bị đã thể hiện xu hướng "tích hợp" các thiết bị, các mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một "thiết bị" hay "mô hình", đây là xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới và lần đầu được xuất hiện tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc. Xu hướng này đã làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị, thông qua việc có thể áp dụng cho nhiều bài giảng khác nhau, nhiều mô đun khác nhau, nhiều nghề trên một ”mô hình” hay một ”thiết bị”, các thầy giáo, cô giáo đã sáng tạo không chỉ trong việc sản xuất thiết bị, mà còn sáng tạo cả trong việc vận dụng các phương pháp giảng dạy trên các phương tiện dạy học có tính linh hoạt cao. Điển hình như thiết bị:“Mô hình thực hành PLC” của nhóm tác giả thuộc trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc; “Mô hình bộ thí nghiệm vi điều khiển” của nhóm tác giả thuộc trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao tặng bằng khen cho các cá nhân đạt giải tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm
Tại Hội thi, các tác giả, nhóm tác giả đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong thiết kế và sản xuất thiết bị thông qua các ý tưởng thiết kế và sự chi tiết, cẩn trọng trong tài liệu thuyết minh và hướng dẫn sử dụng thiết bị. Chính vì vậy, có nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường, như thiết bị:
”Bộ mô phỏng vận hành trạm biến áp 110kv” của nhóm tác giả thuộc trường cao đẳng điện lực miền trung tỉnh Quảng Nam; ”Mô hình tàu hàng khô 10.500 tấn” của nhóm tác giả thuộc trường cao đẳng nghề giao thông vận tải trung ương 2; ”Bộ thực hành PLC” của nhóm tác giả thuộc trường cao đẳng nghề số 2 Bộ quốc phòng.
Để đánh giá khách quan, chính xác các thiết bị dự thi, Ban Tổ chức Hội thi đã giao cho Hội đồng giám khảo, gồm các thầy giáo, cô giáo có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm. Hầu hết các thành viên Hội đồng giám khảo là giảng viên các trường Đại học sư phạm kỹ thuật, Viện khoa học kỹ thuật có uy tín trong cả nước.
Hội thi áp dụng thang điểm 100 để đánh giá theo 10 nội dung cụ thể trong 4 tiêu chí (tính sư phạm; tính khoa học, kỹ thuật và sáng tạo; tính ứng dụng và kỹ năng trình bày của tác giả). Qua thực tế triển khai các kỳ Hội thi và kinh nghiệm của Hội đồng giám khảo, cũng như các tác giả, nhóm tác giả, các tiêu chí đặt ra được đánh giá là chính xác, chi tiết và công bằng.
Việc chấm thi được tiến hành công khai, giữa các Giám khảo không có sự thảo luận để thống nhất ý kiến mà sử dụng cách thức cho điểm độc lập thông qua phương pháp bỏ phiếu kín. Kết quả được giữ kín và chỉ được công bố tại Lễ bế mạc Hội thi. Với cách đánh giá này, kết quả điểm chấm của thiết bị dự thi năm nay đều được các đại biểu, các tác giả đánh giá là đã đạt được nguyên tắc công bằng, khách quan, chính xác và đây chính là điểm nổi bật trong công tác tổ chức Hội thi.
Trao Cờ cho đơn vị đăng cai Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VI cho tỉnh Thừa Thiên Huế
Đi đôi với nguyên tắc làm việc công bằng, khách quan và hiệu quả của Hội đồng Giám khảo, Ban tổ chức đã thành lập Ban giám sát Hội thi. Ban giám sát hoạt động theo nguyên tắc độc lập, giám sát tất cả các hoạt động trong quá trình thi. Mọi thắc mắc, cũng như các vấn đề phát sinh đều được thông tin kịp thời đến Ban tổ chức, để xử lý, giải quyết kịp thời đúng theo các qui định của Hội thi. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V đã thực sự tạo ra được sân chơi lành mạnh, công bằng và bình đẳng đối với tất cả các đơn vị dự thi và đã tạo ra được không khí ngày ”hội” thực sự.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V đã kết thúc và kết quả đã đạt được như mục tiêu đề ra. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đã đem đến cho Hội thi những sản phẩm kết tinh của trí tuệ, của sự sáng tạo và tinh thần say mê không mệt mỏi vì sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp nước nhà.
Về kết quả của Hội thi: Sau 05 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan và chính xác, Hội đồng giám khảo đã giúp Ban tổ chức Hội thi lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân, cụ thể: 30 thiết bị đạt giải nhất, 45 thiết bị đạt giải nhì, 75 thiết bị đạt giải ba. Về giải toàn đoàn, Ban Tổ chức đã lựa chọn 06 đoàn đạt giải tập thể, gồm: 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì và 3 Giải Ba.
Anh Thắng
-
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
07-01-2025 20:37 46
-
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
07-01-2025 13:53 52
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
27-12-2024 14:32 31
-
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
30-12-2024 13:44 57
-
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
30-12-2024 13:34 40