Trao giấy khen cho các tập thể và nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có nhiều thành tích
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số sức khỏe cộng đồng và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tỉnh đã đầu tư phát triển mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, từng bước ứng dụng quản trị số. Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố được mở rộng, trang cấp nhiều thiết bị hiện đại, chất lượng khám và điều trị được nâng lên. Ngành Y tế đã chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, hệ thống y tế được tiếp tục củng cố và phát triển theo mô hình của Bộ Y tế. Nhiều dịch bệnh mới, nguy hiểm đã được phát hiện, khống chế, đẩy lùi, liên tục trong nhiều năm liền không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hiện 100% trạm y tế xã, phường và phòng khám đa khoa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo được quan tâm, tỷ lệ BHYT cho người dân tăng dần hàng năm. Công tác xã hội hóa về y tế được tăng cường, y tế tư nhân tiếp tục phát triển.
Triển khai chính sách BHYT bắt buộc theo hộ gia đình và mở rộng đối tượng tham gia BHYT (cận nghèo, học sinh, hộ gia đình, người nhiễm HIV), Sở Y tế đã ban hành văn bản triển khai, phối hợp vận động các đối tượng tham gia. Theo đó, đối tượng nhiễm HIV tham gia BHYT từ ngân sách năm 2019 là 663 người. Trong 6 tháng đầu năm 2020 là 358 người, lũy kế đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.291 người nhiễm HIV có thẻ BHYT (1.076 người bệnh đang điều trị). Điều đó cho thấy, chính sách BHYT là cơ sở, là tiền đề để phát triển BHYT vì an sinh xã hội một cách khoa học, có lộ trình, trong đó lộ trình BHYT toàn dân đã được quy định rõ ràng. Chính sách luôn thay đổi theo hướng mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tiến tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân.
Để triển khai chính sách, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo công tác triển khai, quán triệt Chỉ thị 38/CT-TW của Ban Bí thư khóa X về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới một cách nghiêm túc từ tỉnh đến huyện. Sở Y tế và BHXH đã phối hợp triển khai kịp thời Luật BHYT và các văn bản dưới Luật đến các cơ quan, ban, ngành, các cơ sở y tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Song song với đó, tỉnh Bến Tre cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT thông qua các hình thức: Tổ chức Diễn đàn đối thoại trực tiếp với người dân về BHXH - BHYT, với số lượng mỗi huyện khoảng 100 người tham dự; viết bài tuyên truyền trên báo, đài, website về nội dung người dân tham gia BHYT, về Luật BHYT, quyền và nghĩa vụ của người tham gia BHYT; treo băng rôn tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp người dân từng bước nhận thấy được tính nhân văn, ưu việt, an sinh xã hội của chính sách BHYT, góp phần nâng cao tỷ lệ tham gia, khám bệnh đúng tuyến, hạn chế khám chữa bệnh vượt tuyến... Trong công tác quản lý và phát triển đối tượng tham gia BHYT, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tỉnh Bến Tre.
Thực hiện hoạt động khám chữa bệnh BHYT, BHXH tỉnh và cơ sở khám chữa bệnh phối hợp tổ chức khám chữa bệnh BHYT, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi người tham gia. Số người được thụ hưởng chính sách BHYT ngày càng tăng, chi phí khám chữa bệnh được chi từ nguồn quỹ BHYT ngày càng cao. Thống kê, tính đến năm 2019, toàn tỉnh Bến Tre có 162 cơ sở y tế có tổ chức khám, chữa bệnh BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 18 đơn vị đầu mối, trong đó có 06 cơ sở y tế tuyến tỉnh (06 bệnh viện) và 09 cơ sở y tế tuyến huyện (09 trung tâm y tế) và 02 cơ sở y tế tư nhân. Tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 90,8%.
Chính sách BHYT có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất hữu hiệu với người dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn
Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc thông tuyến khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trong tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến. Từ ngày 01/01/2016, việc thông tuyến huyện - xã, xã - huyện trong khám chữa bệnh BHYT góp phần thuận lợi cho đối tượng tham gia BHYT. Số lượt thông tuyến nội tỉnh năm 2017 là 70.520 lượt, năm 2018 là 129.978 lượt, năm 2019 là 165.040 lượt. Số lượt khám chữa bệnh đối với bệnh nhân ngoại tỉnh năm 2019 là 15.337 lượt. Việc thông tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu từ tuyến huyện trở xuống được tiếp cận cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu gần nhất, nhanh nhất và hưởng quyền lợi cao nhất. Người bệnh được lựa chọn khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả y tế tư nhân đang được xếp tương đương huyện. Tính đến tháng 6/2020, tổng số khám chữa bệnh BHYT trong tỉnh là 1.168.431 lượt, số khám chữa bệnh ngoài tỉnh là 76.121 lượt. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 02 cơ sở y tế tư nhân, năm 2020 tăng lên là 04 cơ sở y tế tư nhân có tổ chức khám chữa bệnh BHYT, góp phần rất lớn trong việc giảm tải cho các bệnh viện công lập. Cùng với đó, việc cung ứng thuốc cho người tham gia BHYT tương đối đầy đủ.
Cùng với đó, tỉnh Bến Tre cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT. Hiện nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh đáp ứng được các quy định của Bộ Y tế và liên thông dữ liệu thanh toán BHYT. Từ tháng 7/2016, 162/162 cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu khám chữa bệnh đến Hệ thống giám định BHYT, tuy nhiên dữ liệu còn nhiều sai sót về mã dùng chung. Đến năm 2017, dữ liệu khám chữa bệnh tương đối ổn định, từ năm 2018 đến nay, công tác giám định chi phí khám chữa bệnh và quyết toán được thực hiện từ phần mềm điện tử. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT là đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Hệ thống giám định BHYT đã góp phần tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH, cung cấp công cụ tra cứu, quản lý thông tuyến, chuyển tuyến, kiểm tra thẻ BHYT, thông báo kết quả giám định, cung cấp các tiện ích theo dõi tình hình khám chữa bệnh của cơ sở y tế và thống kê thanh toán BHYT. Hệ thống giám định BHYT ngày càng hoàn thiện các chức năng phát huy hiệu qủa nhằm cải tiến thủ thục hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, sử dụng quỹ BHYT.
Theo ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, BHYT thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, là một chính sách an sinh xã hội rất hữu hiệu đối với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp. Trong khi áp dụng giá viện phí mới thì BHYT càng thể hiện rõ hơn vai trò đối với người bệnh về hiệu quả kinh tế… Có thẻ BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đối với hộ nghèo và cận nghèo, việc khám, điều trị bệnh tốn hàng chục triệu đồng thì thẻ BHYT giúp san sẻ gánh nặng khi họ không may ốm đau, bệnh tật, nhất là những bệnh nặng, có chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài.
Có thể nói, việc tham gia BHYT đảm bảo cho cuộc sống của mỗi gia đình không lâm vào cảnh nghèo túng khi bị bệnh tật, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo; là một chính sách tài chính y tế quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhằm xây dựng một xã hội khỏe mạnh, trí tuệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT như: Văn bản quy phạm pháp luật của trung ương còn chống chéo, chưa thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Hiện tại phần mềm khám chữa bệnh chưa thống nhất trên toàn quốc gây khó khăn trong công tác quản lý, việc hỗ trợ cũng như kiểm tra công tác chuyên môn. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế của một số hộ gia đình còn khó khăn, chưa tham gia BHYT đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong năm tài chính, nhất là gia đình có nhiều người. Tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình còn thấp, vẫn còn tư tưởng lựa chọn ngược, tức là chỉ khi ốm đau mới tham gia BHYT. Một số đối tượng thuộc diện tham gia BHYT theo hộ cận nghèo còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước đối với phần tự đóng 30%.
Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, BHXH Việt Nam sửa đổi bổ sung một số nội dung trong Luật BHYT và các văn bản dưới Luật về: Mức đóng quỹ BHYT theo mức hưởng; Nhóm được nhà nước hỗ trợ mức đóng, cụ thể là đối tượng học sinh đề nghị chuyển sang nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; Cho chủ trương thành lập Hội đồng giám định độc lập hướng dẫn các tỉnh thực hiện để đảm bảo khách quan; Ban hành kịp thời các hướng dẫn thay thế khi có quy định hết hiệu lực của văn bản cũ như Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý thông tuyến đối với các bệnh thông thường có thể điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh./.
-
Công tác xã hội kết nối, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Yên Bái
05-11-2024 14:01 50
-
Yên Bái hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ em
04-11-2024 15:34 16
-
TP.HCM: Một ngày phát triển thêm 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
03-11-2024 11:50 18
-
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
31-10-2024 13:24 23
-
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
31-10-2024 13:23 57
-
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
31-10-2024 11:24 10