Lao động
Bên Tre: Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa
11:31 AM 29/06/2023
(LĐXH)-Toàn tỉnh hiện có 2.604 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 84.469 lao động, trong đó có 59 công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số lao động sử dụng đông nhất là 33.403 lao động.

Sau khi tiếp thu Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên và công nhân  lao động, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần tích cực trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp tỉnh Bến Tre rất chú trọng đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người lao động

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đều phân  bổ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nguồn kinh phí để tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động. Sở đã phối hợp với Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện việc tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động. Đối với các hoạt động tuyên truyền pháp luật lao động của cấp huyện, được cân đối từ ngân sách huyện, thành phố để triển khai.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn và phát hành 22.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; 10.000 Bản tin Tư pháp, trong đó có nội dung chuyên trang về pháp luật lao động phát tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, 200 đĩa tiếng từ các tiểu phẩm của Cuộc thi tuyên truyền pháp luật về lao động. Ngoài ra, từ nguồn tài liệu của các cơ quan cấp trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hàng chục ngàn sách, ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh lao động đến với người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2020, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 01 lớp tập huấn liên quan đến những điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) cho lực lượng báo cáo viên của các sở ngành và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho các tuyên truyền viên tại các xã, phường, thị trấn, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn quản lý. Từ đó tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động được diễn ra đồng bộ, rộng khắp.

Trong năm 2022, đã thực hiện tập huấn phổ biến chính sách pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hạn chế các nguy cơ xảy ra tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mở 19 lớp với 1.199 đại biểu tham dự là người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, cán bộ tổ chức, cán bộ công đoàn, cán bộ phụ trách công tác y tế tại các doanh nghiệp. Đồng thời phát 2.000 áp phích và 12.000 tờ rơi đến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong các năm từ 2016 đến nay, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 177.045 lượt người lao động và người sử dụng lao động, biên soạn tổ chức phát hành tờ rơi sổ tay pháp luật lao động, các Sở, ban ngành đều có website riêng qua đó đăng tải thông tin tuyên truyền các chính sách về pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, công đoàn… gửi công văn đến doanh nghiệp để hướng dẫn triển khai đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, kết hợp với tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá, việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng thông tin trên mạng xã hội đã tạo tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động tại Bến tre tiếp cận thông tin chính thức, nâng cao ý thức giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, từ đó có sự chuyển biến thực sự trong việc chấp hành pháp luật lao động của các bên trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, các doanh nghiệp ít xảy ra tranh chấp lao động, dẫn đến trình trạng đình công, lãn công hay ngừng việc tập thể. Các cấp, các ngành, các hội đoàn thể (như: Lao động Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Lao động; Công an; Ban quản lý các khu công nghiệp,…) phối hợp chặt chẽ trong giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ lao động khi có tranh chấp xảy ra, dẫn đến việc phát triển quan hệ lao động trên địa bàn luôn được đảm bảo.
Có thể thấy, bài học kinh nghiệm trong thực hiện Đề án phát triển quan hệ lao động được Bến Tre rút ra là nơi nào cấp ủy quan tâm lãnh, chỉ đạo và làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động trong hệ thống chính trị, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động và người lao động thì nơi đó tạo được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp./.
Minh Hằng