Xã hội
Bến Tre: Tích cực tuyên truyền, vận động toàn hệ thống chính trị giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng
04:37 PM 28/10/2019
Hiện nay, tình trạng tái nghiện và giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng ở Bến Tre đã có những tín hiệu tích cực. Điều này có được là do tỉnh Bến Tre đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ như: đẩy mạnh hoạt động của Đội Công tác xã hội tình nguyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội nhằm tránh sự kỳ thị đối với người nghiện, giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm ổn định, nâng cao nhận thức rõ về tác hại của ma túy để từ đó tránh xa đã góp phần giúp người nghiện làm lại cuộc đời và ổn định cuộc sống.
Năm 2018, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tình trạng nghiện ma túy xuống thấp nhất có thể. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Công an tỉnh tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn công tác rà soát, thống kê người nghiện ma túy và triển khai công tác lập hồ sơ tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện cho 320 cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy và các ngành có liên quan của cấp huyện, cấp xã và từng ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 1 lớp tập huấn cho thành viên của 43 Đội Công tác xã hội tình nguyện và các xã điểm làm tốt công tác phòng chống ma túy.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy cho  học sinh các trường học THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Và các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức như: trên Đài truyền thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã, thông qua các buổi sinh hoạt của Tổ nhân dân tự quản, các buổi sinh hoạt của các hội đoàn thể.

Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cai nghiện của bản thân người nghiện thì rất cần sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể… để cùng hợp lực giúp người nghiện cai nghiện; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức mọi người dân trong cuộc chiến phòng chống ma túy - Ông Đoàn Hải Nam – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre chia sẻ.

 

Người cai nghiện ma túy tỉnh Bến tre luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ động viên  của các các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng xã hội

Theo Trung tá Nguyễn Văn Thận- Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy cho biết: Ngành chức năng của huyện đã có rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa và kiềm chế tình hình người nghiện ma túy gia tăng. Trong đó, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, sự nguy hiểm của ma túy, vận động và hướng dẫn để người nghiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó là tăng cường công tác quản lý, kiểm soát số người nghiện trên địa bàn.
Đồng thời giúp đỡ, dạy nghề, tạo việc làm khá hiệu quả cho người nghiện sau cai, tặng quà cho các học viên, người sau cai có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức nhiều hội thi giáo dục thể chất cho học viên, người sau cai, giao lưu, chia sẻ tại chương trình  "Khát vọng ngày trở về", khen thưởng kịp thời học viên và người sau cai...
Một mô hình mà thời gian qua đã hỗ trợ và giúp đỡ người nghiện rất hiệu quả là thành lập được 43 Đội Công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy với 297 thành viên, số lượng mỗi Đội tùy thuộc vào tình hình địa phương có từ 7 – 9 thành viên (gồm 1 Đội trưởng, 1 đến 2 Đội phó và còn lại là thành viên).

Các Đội Công tác xã hội tình nguyện đã thực hiện 38 cuộc tuyên truyền với trên 969 lượt người tham dự. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu: Tuyên truyền đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, tác hại của ma túy…; vận động cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng 57 trường hợp, điều trị thay thế bằng thuốc Methadone 71 trường hợp.

Ông Đoàn Hải Nam cho biết thêm: Trên cơ sở kế hoạch được đề ra các Đội đã hoạt động khá tốt và đạt được nhiều kết quả trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ, vận động đối tượng tham gia cai nghiện ma túy tại cộng đồng, điều trị nghiện bằng chất thay thế Methadone, giới thiệu việc làm cho các đối tượng và giới thiệu các đối tượng tham gia sinh hoạt các Câu lạc bộ tại địa phương và tham gia sinh hoạt nhóm, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Thời gian qua, Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Lương Quới đã duy trì và giới thiệu các đối tượng tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ "Thắp sáng niềm tin" của xã. Đội Công tác xã hội tình nguyện Phú Khương giới thiệu việc làm cho 2 trường hợp và tiếp tục duy trì sinh hoạt nhóm người sử dụng ma túy trên địa bàn. Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Tân Thạch hỗ trợ vay vốn cho 1 trường hợp sau cai nghiện với số tiền là: 7.000.000 đồng.

Anh Lê Thanh Tâm, ngụ huyện Giồng Trôm, một học viên cai nghiện bắt buộc được về trước thời hạn 3 tháng nhờ học tập, lao động tốt. Trước đây, nghề sửa máy của anh đắt khách đến nỗi phải thường xuyên thức khuya, có người nói anh dùng ma túy thì sẽ tăng sức, làm việc không biết mệt. Anh dùng thử vài lần, rồi không có là nhớ nên phải đi tìm. Tiền cực khổ làm ra anh nướng vào ma túy cho đến ngày anh bỗng nhận ra mình đã là con nghiện, không lâu sau đó anh bị bắt đưa đi cai nghiện. Nhà chỉ có hai mẹ con, nhìn mẹ già 74 tuổi phải lặn lội đi thăm con, anh đau xót, quyết tâm từ bỏ ma túy.

Trước ngày được về nhà, anh Tâm đau đáu suy nghĩ: “Không biết người đời nhìn mình thế nào”. “Không ngờ khi về đến nhà, mẹ tôi ban cho tôi nụ cười, nụ cười của niềm tin để tôi đứng vững. Hàng xóm vẫn đối xử tốt, quan tâm tôi, chính quyền địa phương hỗ trợ cho tôi mặt bằng để mở tiệm sửa điện, sửa máy. Mọi người cho tôi hành trang bước đi trên con đường mới, tôi thấy vui lắm”, anh Tâm xúc động nói.

Hiểu được sự trăn trở của người nghiện sau khi trở về  luôn mang theo nỗi mặc cảm tự ti của người lầm lỡ, họ luôn lo lắng người ta sẽ nhìn mình với ánh mắt xa lánh, vì vậy, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền sâu, rộng trong cộng đồng xã hội nhằm thay đổi nhận thức về người nghiện ma túy. Trong đó, phải hiểu và xem người nghiện là một người bệnh, không kỳ thị đối với người nghiện, cũng không coi người nghiện là đối tượng tệ nạn hay tội phạm. Bên cạnh, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của ma túy, chú trọng những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, người lao động trong doanh nghiệp. Xây dựng mô hình "xã điểm làm tốt công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy" và nhân rộng mô hình ra các xã khác. Đối với UBND cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý sau cai nghiện tái hòa nhập.

Pha Lê

Từ khóa: