Xã hội
Bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái: Báo động mất cân bằng giới khi sinh (bài 1)
09:06 AM 12/10/2018
Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số năm 2007 quy định việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Cùng với đó, năm 2006, Luật bình đẳng giới cũng đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, thực trạng bất bình đẳng giới vẫn còn khá phổ biến. Hệ quả là theo dự báo gần nhất của Tổng cục Thống kê, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.
Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn nặng nề
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu khống chế chênh lệch giới tính khi sinh. Tuy nhiên, theo dõi số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành dân số hàng năm, trên 50% số tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh của năm sau cao hơn năm trước. Đáng chú ý, thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2017 chỉ ra, 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi.
Tại Bắc Kạn, tỷ số giới tính khi sinh hiện là 110,5 bé trai/100 bé gái. Mặc dù giảm nhẹ so với 2 - 3 năm trước đây, nhưng hiện nay đang báo động tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ là con thứ 3 trở lên. Theo thống kê của Chi cục Dân số/Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số giới tính khi sinh ở trẻ là con thứ 3 trở lên hiện là 154 bé trai/100 bé gái.
  

Theo các chuyên gia, áp lực phải sinh cho được con trai để nối dõi tông đường đang đè nặng lên tâm lý của nhiều gia đình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính ngày càng gia tăng. Quan niệm này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Theo một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Y Hà Nội, trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm, nhưng tình trạng trầm cảm càng trầm trọng (gấp 2 lần) ở lần mang thai thứ 2 trong trường hợp gia đình đã có con gái trước đó. Số phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai (bao gồm cả bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần) gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối về giới tính khi sinh nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu trong mỗi gia đình Việt. Chính vì quan điểm này nên ngay từ trong bào thai các bé gái đã bị “phân biệt”. Đã có rất nhiều trường hợp khi siêu âm biết giới tính đã bỏ thai, nhiều gia đình dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn cố phải sinh bằng được con trai. Mặc dù đã có nhiều chính sách, quy định được ban hành cùng với nhiều chương trình hành động được khởi động nhưng tình trạng bất bình đẳng giới vẫn chưa được cải thiện.
Thực tế, việc gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ khiến nam giới khó lấy vợ, nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn, làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình mà còn có thể kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự, bạo hành gia đình; một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như: Giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá… Bên cạnh đó, việc mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ gia tăng…
Bạo lực, xâm hại gia tăng báo động

 Nhiều chuyên gia lĩnh vực dân số cảnh báo, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Dự báo gần nhất của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Dù chưa có nghiên cứu cụ thể về tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em, nhưng theo ước tính khoảng trên 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội. Thống kê trong 3 năm, từ 2015 - 2018 của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy, đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen; trong đó tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi người lạ là 12,6%.
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây tổn thương thể chất và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ và gia đình trẻ. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Cảm giác ám ảnh, thậm chí với suy nghĩ việc bị xâm hại là do lỗi của chính bản thân mình sẽ khiến các em cảm thấy bế tắc và đi đến các quyết định đau lòng. Qua phân tích nhiều vụ việc, trẻ bị xâm hại tình dục vì nhiều lý do có thể tiếp tục bị xâm hại trong nhiều năm tháng sau tiếp đó.
Nguyên nhân của tình trạng trên theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, trong nhận thức của xã hội nói chung, bạo lực và lạm dụng tình dục là vấn đề của cá nhân và chủ yếu là của những cá nhân không tuân thủ các chuẩn mực giới truyền thống hoặc không được dạy dỗ để tuân thủ các chuẩn mực đó. Cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó. Trong đó, những giá trị cổ hủ, những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này và là những rào cản văn hóa khiến cho bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gia tăng trong thời gian qua.
Thái Yến
(Tác phẩm dự thi viết về Bình đẳng giới năm 2018)
 
Từ khóa: