Xã hội
Bình Định: Nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
11:46 AM 26/06/2024
(LĐXH) - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,13%, giảm 2% so với năm 2023, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (dự kiến cả nước còn từ 1,93% - 1,83%). Năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 0,7% so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (dự kiến cả nước còn từ 0,9% - 0,8%).
Tỉnh Bình Định phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3% đến 4%/năm
Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3%/năm đến 4%/năm. Một số xã, phường của thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn không còn hộ nghèo. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%. Huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt  khó khăn.
Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành các chủ trương chính sách; giải quyết tồn tại, tháo gỡ các vướng mắc cho các cấp, các ngành, địa phương; chung tay, nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, giúp nhân dân, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất từng bước tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với chính quyền các cấp đã tập trung tuyên truyền và tham gia giám sát, đánh giá kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững tại cơ sở, phát hiện những tồn tại, hạn chế đề nghị các cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời cho người dân; huy động nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Định triển khai thực hiện 7 dự án liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo bền vững, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện nghèo An Lão; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện An Lão; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.
Cùng với đó là triển khai các chính sách giảm nghèo thường xuyên gồm chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo cho học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hoá thông tin; chính sách hỗ trợ nhà ở và chính sách hỗ trợ tiền điện.
Trong đó, đối với chính sách tín dụng ưu đãi, trong 03 năm qua (2021- 2023) đã giúp hơn 24.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, trong đó gần 20% hộ vươn lên thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 51.000 lao động (377 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho hơn 10.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 68.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; gần 3.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập  cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng hơn 1.200 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, tính đến cuối năm 2023, tỉnh Bình Định còn tỷ lệ nghèo đa chiều 6,15% với 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo 3,13% (13.834 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 3,02% (13.326 hộ). Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong năm 2024, tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia đề xuất cơ chế, giải pháp, phối hợp thực hiện các chính sách, dự án giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội cải thiện tốt về thu nhập, xóa dần chiều thiếu hụt và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề cho 8.754 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các nguyên nhân; giới thiệu việc làm cho 2.382 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm; phối hợp hỗ trợ cho 29 người lao động tham gia đi lao động ở nước ngoài; triển khai dự án hỗ trợ cho 11.623 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sản xuất cộng đồng, liên kết theo chuỗi giá trị từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Huy động nguồn lực tại chỗ (nhân lực và vật lực) để hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có người lao động để tập trung nguồn vốn hỗ trợ vươn lên thoát nghèo. Tuyên truyền, vận động người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nỗ lực trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo; hoặc có các giải pháp hạn chế những hộ có lao động nhưng lười biếng, chây ỳ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng./.
Hồng Phượng
Từ khóa: