Bình Định: Từng bước đẩy lùi tệ nạn mại dâm, ma túy và mua, bán người
(LĐXH) Năm 2017, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, hội, đoàn thể liên quan và các cấp chính quyền địa phương, công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được triển khai thực hiện kịp thời và đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Theo Báo cáo của Sở Lao động-TBXH tỉnh Bình Định, để tăng cường công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng chống mại dâm, ma tuý và mua bán người, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ con em mình không để mắc phải mại dâm, ma tuý, mua bán người. Tại các địa phương, nhất là những xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn mại dâm, chính quyền cơ sở đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả như: Trên loa đài phát thanh, panô, khẩu hiệu, tờ rơi, biểu diễn văn nghệ, thi đố vui và trả lời câu hỏi, sinh hoạt quần chúng khu dân cư, chuyên đề về tệ nạn mại dâm. Qua đó giúp cho nhân dân nhận thức được tác hại do hoạt động mại dâm và nguy cơ dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cơ quan Công an đang tiến hành khám xét 1 thùng hàng được ngụy trang để cất giấu ma túy
Trong năm 2017, Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh, huyện và các xã, phường, thị trấn (nơi có nhiều tệ nạn mại dâm) đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức kiểm tra, thanh tra và thâm nhập thực tế 75 lượt với 108 cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi có biểu hiện hoặc nghi vấn hoạt động mại dâm, nhất là địa bàn thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các xã, thị trấn trọng điểm của các huyện dọc quốc lộ 1A, quốc lộ 19. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm, nhắc nhở 67 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 58 cơ sở, với số tiền là 54 triệu đồng. Tổ chức truy quét, triệt phá 21 lượt các tụ điểm, ổ nhóm mại dâm nơi công cộng và vùng giáp ranh; 32 lượt tụ điểm trá hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ có biểu hiện hoạt động mại dâm; bắt giữ 17 trường hợp, trong đó có 10 người nghi vấn hoạt động mại dâm, 7 đối tượng môi giới dẫn dắt mại dâm, giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý, giáo dục theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch liên ngành giữa Sở Lao động - TBXH và Công an tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về “Tiêu chí phân loại, chấm điểm, đánh giá và thống kê báo cáo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không để phát sinh tệ nạn mại dâm, ma tuý hàng năm”, Bình Định có 108/159 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy; còn 51 phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm và người nghiện ma túy. Từ năm 2018 trở đi, tỉnh phấn đấu mỗi năm có ít nhất 02 xã, phường có tệ nạn mại dâm đạt chuẩn lành mạnh, không để phát sinh tệ nạn mại dâm, ma túy.
Đối với công tác cai nghiện ma túy, năm 2017, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận, quản lý và tổ chức cai nghiện cho 16 lượt người nghiện ma túy, trong đó có 7 người bắt buộc, 9 người tự nguyện. Công tác cai nghiện được thực hiện đúng quy trình như: Cắt cơn nghiện, giải độc chất ma túy, vật lý trị liệu và điều trị các bệnh xã hội khác, hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe cho người nghiện. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, tuy nhiên hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại do Trạm y tế cấp xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu về phương tiện, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn và phương pháp cai nghiện; Thiếu đội ngũ y, bác sỹ chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề cai nghiện ma túy theo quy định, được tập huấn hướng dẫn về điều trị cắt cơn nghiện cho người nghiện ma túy theo hướng dẫn và quy định Bộ Y tế. Mặt khác, công tác quản lý hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của người nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng rất khó khăn.
Về công tác phòng, chống mua bán người, thực hiện Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12/8/2016 của Bộ Lao động - TBXH phê duyệt Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Sở Lao động - TBXH chỉ trì thực hiện Đề án về “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng”. Trên cơ sở đó, Sở Lao động – TBXH đã lập kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh năm 2017, đồng thời triển khai cho Phòng Lao động - TBXH huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các phòng, ban liên quan thực hiện. Nhờ đó, hiện nay tình hình tội phạm mua bán người (phụ nữ, trẻ em) vì mục đích mại dâm hoặc bóc lột tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh không còn diễn biến phức tạp và không phát hiện có trường hợp nào mại dâm trẻ em. Số phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh bị lừa gạt mua bán ra nước ngoài, hiện còn ở nước ngoài hoặc đã trở về được gia đình, nay phần lớn ổn định được cuộc sống hoàn lương.
Theo ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động –TBXH tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống mại dâm, ma túy và mua, bán người của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Ở một số nơi, chính quyền địa phương chưa tập trung quyết liệt và quan tâm đúng mức trong việc phối hợp tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng; Công tác truy quét, triệt phá ổ nhóm tụ điểm mại dâm, tiêm chích ma túy chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, thủ tục lập hồ sơ, xác nhận người nghiện ma tuý để đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc còn rườm rà. Do vậy, số người nghiện ma túy được cơ quan chức năng lập hồ sơ và chuyển Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử, quyết định đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buột là quá ít. Kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống mại dâm, ma túy, mua bán người còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong giai đoạn tới, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bên cạnh việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, tỉnh Bình Định đề nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ban hành năm 2003 cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Vì đến nay, sau gần 15 năm thực hiện, một số quy định trong Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng được yêu cầu trong việc đấu tranh phòng, chống mại dâm trong tình hình mới; Sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
10-01-2025 07:04 56
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
08-01-2025 13:40 25
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46