Bình Dương xảy ra 23 vụ tranh chấp lao động tập thể - đình công
(LĐXH)- Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, từ ngày 04/01/2022 đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ tranh chấp lao động tập thể - đình công tại 23 doanh nghiệp với 13.089 người tham gia.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo được nhiều việc làm cho người lao động của tỉnh và lao động đến từ các tỉnh thành khác với hơn 1,2 triệu lao động (trong đó có khoảng 23.370 lao động người nước ngoài).
Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (đã có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động) với tổng diện tích 10.963 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, với tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp là hơn 500.000 lao động (trong đó có 13.914 lao động người nước ngoài làm việc trong các Khu công nghiệp).
Bình Dương có 4.107 công đoàn cơ sở với 834.196 đoàn viên công đoàn, 891.398 công nhân lao động trong các đơn vị có tổ chức công đoàn (Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước là 3.327 với 782.836 đoàn viên công đoàn, 835.334 công nhân lao động).
Về tình hình phát sinh tranh chấp lao động tập thể - đình công, từ ngày 04/01/2022 đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 23 vụ tại 23 doanh nghiệp với 13.089 người tham gia. Trong đó có 21 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 91% (Đài Loan 10 doanh nghiệp, Trung Quốc 05 doanh nghiệp, Hàn Quốc 04 doanh nghiệp, Anh 01 doanh nghiệp, Thụy Sĩ 01 doanh nghiệp) và 02 doanh nghiệp vốn trong nước.
Tranh chấp lao động tập thể - đình công trong các Khu công nghiệp xảy ra 10 vụ (chiếm 43%) và ngoài các khu công nghiệp xảy ra 13 vụ tranh chấp lao động tập thể - đình công. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tranh chấp lao động tập thể - đình công xảy ra trong năm 2022 tăng 28%.
Có 13.089 người tham gia các vụ tranh chấp lao động tập thể - đình công ở Bình Dương
Đối với việc chậm nhận gói hỗ trợ, sau khi được các ngành vận động, giải thích để người lao động hiểu rõ, có sự cảm thông, chia sẻ đối với địa phương. Đồng thời, để người lao động an tâm làm việc, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ bản (từ 200.000 đồng trở lên tùy theo vị trí công việc) hoặc tăng các mức phụ cấp.
Đến ngày 12/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022, với mức lương tối thiểu Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức lương của các doanh nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống người lao động, để người lao động chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập.
Ngay sau khi các vụ tranh chấp xảy ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương, các Tổ công tác liên ngành địa phương phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp giải quyết kịp thời. Hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh những quy định chưa phù hợp để doanh nghiệp có hướng khắc phục (nếu có vi phạm) hoặc định hướng để doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động. Đồng thời vận động và giải thích cho người lao động các quy định của pháp luật lao động có liên quan đến nội dung yêu cầu; đặc biệt là đối với các vướng mắc có liên quan đến việc thực hiện các gói hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để người lao động hiểu rõ, có sự cảm thông, chia sẻ đối với địa phương, doanh nghiệp...
Để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và giải quyết tranh chấp lao động tập thể - đình công, sau khi đại dịch COVID-19 tạm ổn định, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều cơ chế thông thoáng về lưu thông vật tư, hàng hóa, việc thực hiện các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Qua số liệu thống kê cho thấy trong những tháng đầu năm đã có trên 950.000 lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (đạt tỷ lệ 90,1%) tại hơn 18.000 đơn vị sử dụng lao động. Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy dự báo trong năm 2022 tỉnh Bình Dương cần khoảng 80.000 - 90.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, trong đó nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều ở các ngành nghề chủ lực của tỉnh gồm: sản xuất gỗ nội thất, giày da, dệt may, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ, điện tử…
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bình Dương làm việc, tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại làm việc tại tỉnh Bình Dương. Chỉ đạo các ngành phối hợp với các tỉnh, thành phố có nguồn lao động nhằm thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ để người lao động trở lại, đến Bình Dương làm việc được thuận lợi (cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, hỗ trợ tiêm vacxin, đón người lao động...) sau Tết Nguyên đán và trong dài hạn...
Nhằm giảm thiểu các vụ tranh chấp lao động tập thể - đình công, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị chức năng và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với ngành, lĩnh vực quản lý cũng như tăng cường công tác phối hợp nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển; tập trung khắc phục tình trạng tranh chấp lao động tập thể - đình công, góp phần ổn định môi trường đầu tư, bảo đảm cho phát triển kinh tế bền vững.
Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành có liên quan thực hiện hướng dẫn pháp luật lao động cho doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế, tập trung hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng như Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm Xã hội dưới nhiều hình thức phong phú.
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền đến người lao động; khảo sát nắm bắt tình hình duy trì việc làm, hỗ trợ tư vấn kịp thời cho những doanh nghiệp có cắt giảm lao động về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn; giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tổ chức tốt việc tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất tình trạng người lao động bị thất nghiệp…
Chí Tâm
Từ khóa:
23 vụ
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48