Xã hội
Bình Phước nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội
08:28 AM 07/10/2022
(LĐXH)- Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả, ngày 6/10, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước phấn đấu đạt 60% cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại tạm giam, cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội; trong đó có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Ít nhất có 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trại tạm giam, hệ thống tư pháp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp và tổ chức chính trị - xã hội được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội.

Trẻ em xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) được Đội Công tác xã hội tặng quà dịp Tết Trung thu năm 2022

Đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; thực hiện tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội đối với người có hoàn cảnh khó khăn khi có nhu cầu.
Bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại tạm giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội; trong đó, có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Đạt cơ cấu tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội và quản lý ca tăng tối thiểu 30% so với năm 2025.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 40% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan.
Bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
Trong các giải pháp đề ra, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, như: thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các ngành, lĩnh vực và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân được phép thành lập theo hướng trợ giúp toàn diện, bền vững. Đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đạt tiêu chuẩn quy định; bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại tạm giam, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, địa chỉ tin cậy - ngôi nhà tạm lánh, mô hình nuôi con nuôi, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội toàn diện, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…
Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Phước phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Tham mưu xây dựng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội, đề xuất chế độ đối với công chức, viên chức làm công tác xã hội phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Thẩm định, phê duyệt mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, địa chỉ tin cậy - ngôi nhà tạm lánh, mô hình nuôi con nuôi, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi con nuôi có thời hạn và mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.

Chí Tâm

Từ khóa: