Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chậm triển khai hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 là có lỗi với dân
(LĐXH)- “Cho đến nay, chưa có gói hỗ trợ nào đặt lợi ích cao nhất vì người lao động, người sử dụng lao động như gói hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP. Ai, cơ quan, địa phương nào mà chậm triển khai gói hỗ trợ đến người thụ hưởng là có lỗi với dân...”.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn ra chiều 7/7 tại Hà Nội.
Tham dự buổi hợp báo còn các Thứ trưởng: Lê văn Thanh, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Thị Hà cũng lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội…
Dễ dàng tiếp cận chính sách
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Đồng thời, phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
Cảnh báo nguy cơ cao dịch bệnh tấn công vào khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp đông công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1,6 triệu công nhân, Bình Dương 1,2 triệu, Đồng Nai 1 triệu. Chỉ riêng 3 địa bàn này đã chiếm khoảng 1/4 lực lượng lao động cả nước... “Muốn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở các địa bàn này đòi hỏi phải thực hiện đồng các nhóm giải pháp, trong đó có việc hạn chế sự đi lại. Mà muốn hạn chế việc đi lại phải đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người không có tích lũy, không có thu nhập để họ bị đói, đứt bữa”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trao đổi.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những việc như vậy cho chúng ta nhiều suy ngẫm, ý nghĩa sâu sắc và sự cần thiết trong triển khai các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người dân. Cơ quan nào, địa phương nào, cá nhận nào chậm thực hiện việc hỗ trợ hoặc để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với người dân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cao; đồng thời, báo cáo Bộ Chính trị về chủ trưởng ban hành các chính sách hỗ trợ.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
“Các cơ quan rất quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu Thủ tướng giao là cắt giảm hóa tối đa thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian, tạo điều kiện thông thoáng để người lao động người sử dụng lao động tiếp cận chính sách dễ dàng trên cơ sở đảm bảo đúng luật. Tinh thần là nội dung gì Luật đã quy định thì phải chấp hành, những những quy phạm Chính phủ, Thủ tướng cho phép vận dụng thì vận dụng tối đa” - Bộ trưởng, nhấn mạnh.
Rút ngắn thời gian hỗ trợ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Gói 62.000 tỷ đồng trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng. Nhưng nay để tạo thuận lợi nhất cho người dân, thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là khoảng 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân. “Thời gian giải quyết như vậy là một cuộc cách mạng. Cho đến nay, chưa có gói hỗ trợ nào táo bạo, đặt lợi ích cao nhất vì người lao động, người sử dụng lao động như vậy”, Bộ trưởng, nhấn mạnh.
Theo đó, về đối tượng, tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Đối với điều kiện hỗ trợ, Nghị quyết giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
Đồng thời, bổ sung nhiều chính sách mới như: Nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ -CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia BHXH là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết 68 là 6 tháng, dài hơn so với Nghị quyết 154/ NQ-CP trước đây là 3 tháng. Thủ tục đơn giản hơn so với các trường hợp đề nghị tạm dừng đóng thông thường đang được quy định tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Thông tư 59/2015/TT-LĐTBXH, thay vì phải qua hai bước là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH thì nay chỉ phải gửi đến duy nhất một địa chỉ là cơ quan BHXH.
Thời gian giải quyết giảm từ 25 ngày (đối với các trường hợp thông thường) xuống còn 5 ngày. Hồ sơ đơn giản hoá rất nhiều so với các đợt dịch trước, từ 03 thành phần hồ sơ còn 01 thành phần hồ sơ; hệ thống mẫu biểu cũng đơn giản, thuận tiện hơn (giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai).
Đặc biệt, với lao động tư do, Chính phủ đã giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, một lần nữa nhấn mạnh: Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Vì vậy, việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn không thể chậm trễ. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trước, lần này sẽ tăng cường sự giám sát của MTTQ và các đoàn thể.
Trần Thắng
Từ khóa:
-
Huyện Phong Thổ (Lai Châu): Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động
16-12-2024 16:09 58
-
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
24-12-2024 10:48 03
-
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động
24-12-2024 10:36 35
-
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
22-12-2024 21:37 20
-
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
21-12-2024 19:25 34
-
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
21-12-2024 19:25 29
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00