Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người lao động rất kỳ vọng vào hợp tác trong lĩnh vực di cư lao động giữa Việt Nam và Đức
(LĐXH)- Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại buổi tiếp và trao đổi với ông Hubertus Heil, Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) chiều ngày 23/1.
Sự kiện hợp tác đặc biệt
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam, sau cuộc Hội đàm với Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng, chiều 23/1, hai nhà lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội CHLB Đức trong lĩnh vực di cư lao động. Đây là Bản ghi nhớ hợp tác chung duy nhất về lĩnh vực lao động – việc làm được ký kết trong chuyến thăm và làm việc của Tổng thống CHLB Đức tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin: Riêng năm 2023, Việt Nam đã đưa hơn 150 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại các quốc gia như Hungary, Bungaria, Canada…, trong đó, thị trường chiếm ưu thế vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Đối với thị trường Đức, thời gian qua, Việt Nam đã đưa hàng nghìn lao động từ Việt Nam sang làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng. Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trực tiếp tới các cơ sở điều dưỡng ở Đức để kiểm tra, xem xét năng lực và điều kiện làm việc của các điều dưỡng viên Việt Nam tại nước sở tại” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Cơ quan Lao động Liên bang Đức đã triển khai hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh và điều dưỡng đa khoa. Kết quả đã có khoảng 1.700 lao động Việt Nam xuất cảnh đi học tập, làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức. Người lao động nhập cư làm việc ổn định với mức thu nhập cao và được hưởng các chế độ phúc lợi như công dân Đức…
Tháo gỡ rào cản để thu hút lao động
Trao đổi về lực lượng lao động Việt Nam sang CHLB Đức làm việc vẫn còn hạn chế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Hiện nay, rào cản lớn nhất khiến người lao động của Việt Nam khó tham gia thị trường lao động tại Đức là vấn đề cấp thị thực (VISA). Thậm chí, nhiều người lao động Việt Nam chưa thể tới Đức để làm việc do một số yêu cầu chứng chỉ, kỹ năng nghề và đặc biệt là yêu cầu khắt khe về ngôn ngữ.
Người lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu từ từ thị trường Đức. Song để tăng số lượng lao động Việt Nam tới CHLB Đức làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị Đức hạ tiêu chí tuyển chọn lao động; tạo điều kiện hơn cho người lao động Việt Nam về chứng chỉ, kỹ năng nghề nghiệp và nới lỏng các điều kiện yêu cầu đối với người lao động Việt Nam được đào tạo đúng ngành nghề, phù hợp với nhu cầu của CHLB Đức.
“Các điều dưỡng viên sau khi được đào tạo tại các trường Đại học Y tế hoặc Cao đẳng Y tại Việt Nam thì khi tới Đức chỉ cần đào tạo bổ sung thêm về ngôn ngữ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nêu ví dụ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gợi mở: Tới đây, ngoài việc trao đổi bằng hình thức trực tuyến, hai Bộ có thể tổ chức diễn đàn lao động quốc gia tại Đức. Khi đó, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam sang Đức tham gia tháo gỡ những rào cản, khó khăn mà Đức đang gặp phải trong vấn đề tuyển chọn lao động.
Bộ trưởng Hubertus Heil, cho biết: Hiện nay, Đức đã và đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Theo thống kê, đến năm 2025 sẽ có một số lượng lớn người lao động được sinh ra kể từ năm 1945 nghỉ hưu, khiến nhu cầu về người lao động cần thay thế đến năm 2035 của Đức là 7 triệu người.
“Hiện nay, Đức đang thiếu hụt lao động ở nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế (nhân lực điều dưỡng), công nghệ thông tin và một số ngành nghề khác” - Bộ trưởng Hubertus Heil, thông tin.
Bộ trưởng Hubertus Heil, chia sẻ: Để tăng cường thu hút người lao động từ nhiều quốc gia khác, nhất là từ Việt Nam, vừa qua, Quốc hội Đức đã hiện đại hóa Luật Nhập cư lao động với một số cải tiến về định cư lao động mới và tương lai có thể thay đổi thêm việc công nhận các chứng chỉ ngôn ngữ cũng như các chứng chỉ nghề nghiệp có liên quan. Thời gian tới, CHLB Đức sẽ số hóa quy trình cấp thị thực (VISA) giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ xin cấp thị thực và tăng cường quảng bá về các ngành nghề của Đức để người lao động thuận lợi xác định công việc.
Nhằm hiện thực hóa Bản ghi nhớ chung giữa hai Bộ, Bộ trưởng Hubertus Heil đề xuất với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt, lãnh đạo hai Bộ cần tổ chức một Hội thảo trực tuyến giúp tăng cường khả năng thu hút người lao động từ Việt Nam tới làm việc tại Đức. Đồng thời, xác định cụ thể kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ chung cũng như thảo luận về các vướng mắc và đưa ra biện pháp tháo gỡ...
Trần Thắng
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48