Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tiến tới bảo hiểm xã hội đa tầng và toàn dân
(LĐXH)- Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình của các đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Sự quan tâm đặc biệt
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt Ban soạn thảo và cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực BHXH cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án Luật BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Thời gian vừa qua, Ban soạn thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, góp ý của người dân, của các tổ chức, người lao động và hôm nay cùng với kết quả thảo luận tại tổ, (tại thảo luận tổ có 148 lượt ý kiến phát biểu). Hôm nay, đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, góp ý, cho ý kiến rất nhiều về các nội dung này. Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc phối hợp với cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan để tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu, góp ý của đại biểu để báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới đây.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Về dự án Luật Bảo hiểm xã hội, trong đề án đã có các cơ sở chính trị rất vững chắc, đó là Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm. Nghị quyết này khi đó do đồng chí Chủ tịch Quốc hội là Trưởng Ban soạn thảo. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII tiếp tục bàn về chính sách xã hội. Do đó, những vấn đề mà Ban soạn thảo nêu ra và Chính phủ trình trước Quốc hội góp phần nhằm thể chế hóa theo nguyên tắc phấn đấu để tiến tới là BHXH đa tầng và BHXH toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo thêm với Quốc hội một số vấn đề cơ bản.
Trước hết, về trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28 để thảo luận, cân nhắc và trình với Quốc hội. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng Nghị quyết 28. Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là người cao tuổi, không có lương hưu, không có BHXH hàng tháng. Để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này để có mức lương hưu cao hơn.
Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt kỳ này, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75, với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước. Việc này điều chỉnh thời điểm nào, mức nào sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng thời, để linh hoạt quy định mức hỗ trợ kinh phí cho trợ cấp hưu trí xã hội, cũng như các hỗ trợ khác như thai sản, hỗ trợ phụ nữ trẻ em... đã nêu trong dự thảo sẽ giao cho Chính phủ quy định mức này. Tất cả mức quy định bằng tiền sẽ giao cho Chính phủ quy định, như vậy sẽ phù hợp và linh hoạt hơn. Còn những mức nào đó quy định ra sao, trách nhiệm của Chính phủ sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội trước khi xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Người dân khi về già có lương hưu
Thứ hai, về vấn đề BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động. Vừa qua bên cạnh nguyên nhân chính rút bảo hiểm xã hội là khó khăn thì đã tổng kết 5 nguyên nhân.
Do đó, có thể thấy rằng để đưa ra phương án bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản. (I) Đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH vẫn có quyền được rút bảo hiểm xã hội. (II) Phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống.
Hiện tại, khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, phương án chỉ có ưu điểm mà sẽ đi theo phương án tiếp tục đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn. Qua thảo luận và ý kiến của người lao động, tổ chức lao động vừa qua góp ý và đặc biệt là ý kiến thảo luận của Quốc hội hôm nay. Chính vì vậy, việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau sau khi luật có hiệu lực.
Chỉ cho hưởng 50% khi rút BHXH một lần
Vừa qua, đại biểu nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau nhưng có đại biểu cho rằng chỉ cho rút 8% là người lao động đóng, 22% người sử dụng lao động đóng để lại. Cũng có ý kiến đề nghị giữ lại 14% mà doanh nghiệp đóng, còn 12% người lao động muốn rút thì cho rút.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, báo cáo thêm với Quốc hội: Khi Ban soạn thảo đưa ra phương án 2, tức là 50 - 50 thì ở đây 50 là thời gian đóng, chứ không phải mức đóng. Ở đây cần phải nói rõ là phân biệt để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội. Tinh thần như vậy, khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng, còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng.
Về việc tại sao lại phải chọn phương án 50 – 50, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Trước hết là phương án này vẫn đảm bảo được quyền của người tham gia là được hưởng BHXH một lần và công bằng trước, sau khi luật có hiệu lực; phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khắc phục được những vướng mắc hiện nay và giữ được chân người lao động.
Về mặt kỹ thuật, thời gian thực hiện đóng sẽ phù hợp với cách thức quản lý BHXH hiện nay cũng như thông lệ quốc tế là ghi nhận theo thời gian và tiền lương làm căn cứ đóng, không phân biệt phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động. Tất cả các nước đều theo hướng đó.
Thứ hai là phương án của Ban soạn thảo nêu ra, số kinh phí khi rút cũng sẽ tương đương với số đóng của người lao động là 8%, không nói 8% nhưng mức rút tương đương 8%. Tức là 8% tiền lương đóng của người lao động trong 1 năm sẽ tương đương với 0,96% tháng lương.
Thứ ba là khắc phục được hạn chế và khó thực thi nếu như theo phương án một số đại biểu Quốc hội nêu. Vì tỷ lệ đóng và quỹ hưu trí tử tuất của người lao động thời gian qua rất khác nhau. Có thời gian ghi 5%, có thời gian 6%, có thời gian 7% và hiện nay là 8%, nếu tính 8% thì sẽ không thực hiện được đối với người 5%, 6%, 7%. Bên cạnh đó, hiện nay có người phải đóng cả 22%, ví dụ phu nhân, phu quân ở các ngoại giao đoàn hay người Việt Nam lao động ở nước ngoài đóng cả 22%. Và cũng có đối tượng cá nhân không phải đóng mà Nhà nước đóng 100%, ví dụ như hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên lực lượng vũ trang... Do đó có thể thấy rằng, phương án 50% là phương án tối ưu hơn trong tất cả các phương án đang có hiện nay.
Mức đóng BHXH tương đối phù hợp
Về ý kiến tỷ lệ đóng BHXH, vừa qua 13 hiệp hội có đề xuất giảm trở lại mức đóng của năm 2009 và ý kiến của một số đại biểu đã nêu hôm nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Mức đóng BHXH của các quốc gia rất khác nhau, thường phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mức đóng của Việt Nam hiện nay là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng BHXH, về cơ bản mức này là tương thích với các quốc gia trong khu vực.
“Trung Quốc hiện nay là 33%, Nhật Bản là gần 30%, Malaysia là 26,7%, Bồ Đào Nha là một nước rất tiên tiến về BHXH là 35%. Một số quốc gia có thể thấp hơn Việt Nam, ví dụ như Malaysia 26,7% thấp hơn Việt Nam 0,8%; tuy nhiên, họ lại quy định người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm lo cho người lao động khi gặp rủi ro, tai nạn hoặc chế độ ốm đau, thai sản thì người sử dụng lao động phải trực tiếp chi trả cho người lao động, Do đó, rất nhiều bất cập và vì vậy các quốc gia đang đi theo hướng là phải chuyển trở lại vào cho BHXH” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nêu ví dụ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam là tương đối phù hợp.
Trần Thắng
Từ khóa:
-
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
21-12-2024 19:25 34
-
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
21-12-2024 19:25 29
-
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
10-12-2024 15:55 02
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
06-12-2024 15:35 46
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
03-12-2024 15:23 59
-
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
12-12-2024 12:17 55
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00