Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 42.493/40.300 lượt người, đạt trên 105% kế hoạch, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, địa phương giải quyết việc làm cho hơn 14.980 người trong tỉnh, 27.113 người ngoài tỉnh và 400 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để nâng cao chất lượng người lao động (NLĐ), địa phương đã thực hiện đào tạo được 23.688/28.000 người, đạt trên 84% kế hoạch. Kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề năm 2024 được bố trí từ ngân sách trung ương, địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau còn ban hành quyết định số 12/2024/QĐ-UBND về việc ban hành chính sách và định mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng dành cho các đối tượng: người khuyết tật theo quy định của luật người khuyết tật; người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn; người dân tộc thiểu số… Các chính sách hỗ trợ được ngành chức năng tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện kịp thời đã mang lại sự phấn khởi cho NLĐ nói riêng và nhân dân nói chung.
Trung tâm DVVL tỉnh còn thường xuyên, định kỳ thực hiện tư vấn, tổ chức phiên giao dịch việc làm, đáp ứng nhu cầu kết nối của cả 2 phía - người sử dụng lao động và người lao động. Thời gian qua, Trung tâm luôn chú trọng tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tư vấn và giới thiệu việc làm trực tiếp tại trung tâm, phiên giao dịch việc làm, tư vấn lưu động; tư vấn thông qua các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, chú trọng tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, tổ chức đào tạo nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp… Qua đó, không chỉ giúp cho nhiều lao động có cơ hội tiếp cận với đơn vị tuyển dụng mà còn tạo điều kiện để họ dễ dàng tìm được công việc phù hợp.
Quy trình xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh luôn được thực hiện chặt chẽ, giúp người lao động nắm bắt thông tin nhanh và có nhiều cơ hội chọn việc làm phù hợp... Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 11.710 lượt người, thực hiện 20 phiên giao dịch việc làm thu hút 618 lao động tìm việc và 60 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức 37 cuộc tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn và 10 lớp tập huấn cho cộng tác viên tư vấn, giới thiệu việc làm.
Năm 2024, tỉnh Cà Mau phấn đấu đưa 600 người đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên trong 9 tháng qua, tỉnh mới chỉ có thể giải quyết cho 400 lượt người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, hiện có nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đã quá tuổi tuyển dụng. Hầu hết các đối tác chỉ tuyển dụng lao động độ từ 18-38 tuổi. Mặc khác, chương trình EPS Hàn Quốc mỗi năm chỉ tổ chức từ 1-2 kỳ thi tuyển nên người lao động khó tiếp cận với thị trường này. Ngoài ra, một số trường hợp có tâm lý e ngại rủi ro do ảnh hưởng việc tiếp cận thông tin lao động qua các kênh không chính thống, một phần lao động chuyển sang hình thức du học sinh...
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cấp, ngành quan tâm phối hợp rà soát, định hướng nghề nghiệp, nắm bắt nhu cầu của người lao động và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng việc đào tạo, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, vận động người dân thay đổi nhận thức về học nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, tuyển dụng lao động; niêm yết công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
24-12-2024 10:18 52
-
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
23-12-2024 22:21 59
-
TP.HCM: Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI
23-12-2024 22:20 38
-
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
10-12-2024 15:55 02
-
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
05-12-2024 16:54 04
-
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
20-12-2024 18:46 27
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00