Từ nguồn vốn được phân bổ, nhiều dự án, tiểu dự án giảm nghèo thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Cà Mau có 06 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 03 huyện U Minh, Đầm Dơi, Ngọc Hiển. Với tổng ngân sách Trung ương bố trí là 77,4 tỷ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng là 5,9 tỷ đồng, các huyện đã hoàn thành tổng cộng 42 công trình xây dựng mới, duy tu sửa chữa các tuyến lộ giao thông nông thôn trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Theo kế hoạch, năm 2024 dự kiến xây dựng 21 công trình (bao gồm xây dựng mới và duy tu sữa chữa). Ước đến 31/12/2024, các địa phương sẽ giải ngân vốn thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn đạt từ 95% trở lên. Nhìn chung, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, nhất là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư đã từng bước đáp ứng cơ bản nhu cầu tối thiểu cho hoạt động sản xuất và dân sinh trong vùng, góp phần vào việc tăng cường giao thương, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được đến trường, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Mô hình nuôi chồn ở thị trấn Năm Căn giúp người dân thoát nghèo hiệu quả
Việc hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng luôn được sự chỉ đạo tâm huyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó đã khơi dậy ý thức trong việc lao động, sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình từ nguồn lực hỗ trợ ban đầu của Nhà nước gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số mô hình có giá trị kinh tế cao, mang lại hiệu quả như: nuôi heo, nuôi bò, nuôi chồn hương, sò huyết,… Từ khi triển khai Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, có khoảng trên 200 mô hình đã và đang thực hiện, với khoảng 2.443 hộ dân được thụ hưởng (trong đó ưu tiên đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng,…). Tuy nhiên, với quy mô hỗ trợ còn nhỏ lẻ, rất ít mô hình được phát triển và nhân rộng.
Cùng với đó, Cà Mau đã tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đối với người nghèo. Đến nay, tỉnh đã thực hiện được 69 mô hình/ dự án phát triển sản xuất với 1.006 hộ tham gia gồm 461 hộ nghèo; 286 hộ cận nghèo; 91 hộ mới thoát nghèo; 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; 01 hộ thành viên là người có công cách mạng và 132 hộ Phụ nữ được hưởng hỗ trợ. Được biết, nguồn vốn được phân bổ năm 2024 cho việc hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất là 16,17 tỷ đồng, ước đến 31/12/2024 sẽ giải ngân đạt từ 95% trở lên.
Thực hiện dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, từ năm 2022-2024, các địa phương trong tỉnh Cà Mau được phân bổ 22,81 tỷ đồng. Theo đó, đã tổ chức cho 2.943 học viên tham gia các lớp dạy nghề, gồm: sửa xe Honda, may dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi, đan đát,… đạt tỷ lệ 42,34% kế hoạch chỉ tiêu chung (chỉ tiêu 6.950 người). Theo đánh giá, việc thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn như: Đối tượng học nghề thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo không có nhu cầu đào tạo, chủ yếu tập trung vào công việc phải kiếm sống hàng ngày, việc đăng ký học nghề ở một số xã, phường thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo, không đủ số lượng để mở lớp đào tạo.
Cũng trong các năm 2022-2024, Cà Mau được Trung ương phân bổ ngân sách 22,67 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững, góp phần giúp người lao động tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo vững chắc. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng Kế hoạch tập huấn về thu thập thông tin cho người đi thu thập thông tin tại 9/9 huyện, thành phố Cà Mau tham dự. Kết quả thu thập thông tin từ 639.870 người từ 15 tuổi trở lên sẽ cập nhật vào phần mềm quản lý lao động của tỉnh. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh làm sạch dữ liệu trên phần mềm có sẵn (không cần phải trực tiếp đi điều tra lại từng hộ gia đình). Việc làm sạch dữ liệu từ phần mềm quản lý lao động, tích hợp vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý lao động trên địa bàn, làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã ban hành kế hoạch số 257/KH-TTDVVL ngày 10/10/2023 về việc tổ chức 4 đợt tuyên truyền, 60 cuộc tư vấn giới thiệu việc làm và 9 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố Cà Mau và Kế hoạch số 263/KH-TTDVVL ngày 16/10/2023 về việc tổ chức 09 lớp tập huấn, hướng dẫn tổ chức giao dịch việc làm trên địa bàn các huyện và thành phố Cà Mau. Từ tháng 12/2022 - 6/2024, Cà Mau đã tư vấn việc làm cho 26.675 người. Tổng số có 1.760 người đăng ký tìm việc làm, trong đó, có 146 người nộp hồ sơ tìm việc làm trong nước và 1.614 người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.
Cũng từ năm 2022 – 6/2024, Trung tâm đã tổ chức được 60 phiên giao dịch việc làm với tổng số 3.942 người lao động và 213 doanh nghiệp tham gia; Kết nối việc làm thành công cho 100 người lao động trong tỉnh, trong đó, năm 2023: 56 người, 6 tháng đầu năm 2024: 44 người. Toàn tỉnh đưa được 1.064 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 là 273 người.
Cùng với các dự án trên, các Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Dự án Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá thực hiện chương trình và các chính sách an sinh xã hội, chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… cũng được các địa phương, ban, ngành trong tỉnh Cà Mau lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cuối năm 2023, tổng hộ nghèo toàn tỉnh có 4.900 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,6% (giảm 2.507 hộ, tỷ lệ giảm là 0,81%/0,8% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 0,01% so với Kế hoạch). Tổng hộ cận nghèo 4.788 hộ, chiếm tỷ lệ 1,56% (giảm 922 hộ, tỷ lệ giảm là 0.30%).
Nhìn chung, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt, vượt chỉ tiêu theo Quyết định 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ tiêu do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao. Kết quả đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo nêu trên là thành quả của sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, sự hỗ trợ, tập trung nguồn lực và ý thức, trách nhiệm cộng đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2024 cơ bản được thực hiện toàn diện đã tạo bước tiến rõ rệt về sự tiến bộ và công bằng xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định mọi mặt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy quê hương Cà Mau ngày càng phát triển giàu mạnh./.
Minh Hạnh
-
Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
09-12-2024 07:00 38
-
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
20-11-2024 17:42 05
-
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12
24-12-2024 16:28 16
-
Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai
23-12-2024 22:42 50
-
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
23-12-2024 22:22 36
-
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
23-12-2024 22:20 15