Xã hội
Cà Mau thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
09:44 AM 10/06/2024
(LĐXH)- Các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn ở Cà Mau đã góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đối với người có công với cách mạng...
Là vùng căn cứ cách mạng suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Cà Mau là tỉnh chịu hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Toàn tỉnh có 110.891 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được công nhận.
Trong đó có 17.932 liệt sĩ; 16.580 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 297 bệnh binh, quân nhân bệnh nghề nghiệp; 7.414 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 2.530 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 280 cán bộ lão thành cách mạng; 207 cán bộ tiền khởi nghĩa; 71 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 499 người có công giúp đỡ cách mạng; 2.645 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; 29.613 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần...
Tính đến tháng 4/2024, tổng số người có công đang hưởng chi trả trợ cấp hàng tháng là 15.306 người, với tổng số tiền 30 tỷ đồng/tháng.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tiếp đoàn đại biểu NCC Cà Mau
Hiện tại, tỉnh Cà Mau chưa có cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Sở đã chủ động tham mưu tổ chức đưa điều dưỡng tập trung tại huyện Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Lạt tỉnh Lâm Đông. Đến nay đã có 3.379 người có quyết định điều dưỡng tại gia đình với tổng kinh phí trên 6.249 tỷ đồng.
Hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau cho chủ trương để tổ chức đưa 03 đoàn người có công, thân nhân người có công với cách mạng tham quan viếng Bác tại thủ đô Hà Nội và các di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam (từ nguồn ngân sách tỉnh).
Phong trào vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hình thành rất sớm, từ năm 1987. Đến nay đã có hơn 15.000 căn nhà được xây dựng và sửa chữa với tổng kinh phí 350 tỷ đồng từ nguồn quỹ này. Riêng năm 2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã vận động được trên 12 tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch.
Hằng năm, tỉnh bố trí ngân sách khoảng 40 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thăm viếng, tặng quà cho đối tượng người có công, hưu trí, bảo trợ xã hội… nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và Tết Nguyên đán.
Toàn tỉnh có 60 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời, mức phụng dưỡng tối thiểu với số tiền 500.000 đồng/tháng/mẹ. Sở đang tham mưu thực hiện xây dựng quyển kỷ yếu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện đang trong giai đoạn rà soát lại thông tin lần cuối, để trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua và thực hiện các bước tiếp theo để in ấn.
Ông Nguyễn Xuân Tình – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Sở đã tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện chính sách, các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đối với người có công với cách mạng, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Việc tổ chức chi trả trợ cấp cho đối tượng có quy trình rõ ràng thống nhất cơ bản đúng, đủ và  kịp thời, công khai, minh bạch theo quy định hiện hành.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh với những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, đời sống của người có công với cách mạng ngày càng ổn định, từng bước được cải thiện, nâng lên. Nên từ đó đã động viên, khích lệ và tạo động lực để người có công với gia đình cách mạng tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng vươn lên, vượt khó xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng địa phương, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quê hương; góp phần giữ vững, ổn định chính trị thúc đẩy kinh tế phát triển./.
Hồng Minh
Từ khóa: