Cách làm mới trong phòng, chống HIV/AIDS tại Quảng Ninh
Thành lập tổ chức, kết nối với các nhóm cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm HIV, trực tiếp đi vào các “điểm nóng”, tiếp cận, truyền thông và giúp đỡ những người có nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS… là những hoạt động của mô hình nhóm thuộc Tiểu dự án SCDI do Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hỗ trợ tại Quảng Ninh.
Đã thành lệ, hằng tháng, các thành viên trong Dự án họp mặt bàn kế hoạch cho công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ dự phòng cho các nhóm lây nhiễm có nguy cơ cao. Công việc của các tuyên truyền viên (TTV) đồng đẳng của dự án có tính chất khó khăn, phức tạp ít ai ngờ, thậm chí có khi còn nhận được cái nhìn không thiện cảm, sự kỳ thị từ cộng đồng.
Với Trưởng nhóm Tiếp cận cộng đồng Đinh Tuấn Anh, là tới các “điểm nóng” để thu dọn bơm kim tiêm của các "con nghiện" vứt lại. Anh còn tiếp cận các đối tượng nghiện hút để tuyên truyền, chỉ rõ về nguy cơ lây nhiễm bệnh qua dùng bơm kim tiêm bẩn, cấp bơm kim tiêm sạch, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
đối tượng nghiện chích hút ma túy trên địa bàn TP Hạ Long.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng nhóm Hạ Long xanh thì thường xuyên tiếp cận, thâm nhập các “điểm nóng”, các tụ điểm vui chơi, kinh doanh giải trí... ở các phường Cao Xanh, Hà Khánh (TP Hạ Long) để tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ về cách sử dụng bao cao su (BCS) đúng cách, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cấp BCS, kiến thức về HIV, khám sức khỏe định kỳ... Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỳ chia sẻ: Ban đầu tham gia nhóm, việc tiếp cận rất khó khăn, đôi khi còn bị chủ quán, các đối tượng đe dọa, uy hiếp. Dần dần với những lợi ích đem lại từ kiến thức tuyên truyền, chủ quán và các đối tượng cũng đồng thuận. Qua việc trò chuyện, trao đổi hằng ngày đã góp phần làm thay đổi hành vi, suy nghĩ của các đối tượng, giúp cộng đồng giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua những đối tượng có nguy cơ cao.
Không chỉ anh Tuấn Anh, chị Thùy mà đây là công việc thường xuyên của 22 TTV, thành viên của dự án SCDI do Quỹ Toàn cầu tài trợ, thực hiện ở một số "điểm nóng" tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TX Quảng Yên. Đây là những công việc thầm lặng nhưng có những đóng góp to lớn trong việc chủ động ngăn ngừa lây nhiễm HIV tới cộng đồng.
Ngoài những hoạt động ý nghĩa trên, kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 4/2015), Tiểu dự án SDCI còn mở rộng mạng lưới, kết nối với các nhóm cộng đồng để tuyên truyền, giúp đỡ những nhóm người có HIV và có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, chương trình đã kết nối với nhóm, CLB của người có HIV, người đồng giới, người sử dụng ma túy, như: Hoa hướng dương; Hoa xương rồng; Bình minh Hạ Long; Góc khuất Hạ Long; Loveboy Hạ Long; Bạch Đằng Giang (Quảng Yên), Biển xanh (Cẩm Phả)… Thông qua kênh này, các nhóm cũng đã tổ chức được trung bình 5-7 buổi tuyên truyền/tháng cho các nhóm lớn (từ 5-20 đối tượng), giúp đỡ những người có HIV và nguy cơ nhiễm HIV cao để mọi người có hiểu biết sâu hơn về bệnh, nguy cơ lây nhiễm, lợi ích của việc điều trị HIV sớm… Từ đó, nâng cao ý thức trong bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình và cộng đồng.
Một trong những điểm ưu việt của Tiểu dự án SDCI là khuyến khích các đối tượng trên tới các trung tâm khám sức khỏe, xét nghiệm miễn phí để chủ động, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe. Chị Phạm Khánh Linh, Trưởng nhóm Ánh Dương (TP Hạ Long), cho biết: Công việc này không hề đơn giản bởi thuyết phục đã khó, để các bạn ấy tự đi khám, xét nghiệm càng khó. Nguyên nhân là do họ thường có tâm lý ngại, mặc cảm và khó khăn về kinh tế, điều kiện đi lại… Để tăng hiệu quả công việc, các TTV chúng tôi thường chủ động đưa đón, kết nối với các điểm khám, xét nghiệm, hướng dẫn cụ thể để các bạn ấy cảm thấy thuận tiện và thoải mái nhất. Qua thực tế cho thấy, khi nắm rõ tình trạng sức khỏe, nắm rõ kiến thức về nguồn lây nhiễm bệnh, những người nhiễm HIV đã có sự thay đổi lớn về hành vi, biết tự bảo vệ mình, tránh những hành vi có nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng.
Theo thống kê của Tiểu dự án SDCI, nhờ những hoạt động tích cực, hiệu quả mà những năm qua, tỷ lệ các đối tượng nghiện chích ma túy trong phạm vi dự án khảo sát đã giảm đáng kể, từ 21,33% (năm 2014) xuống còn 17% (năm 2016) và 10% (năm 2017); tỷ lệ đối tượng mại dâm cũng giảm từ 2,4% (năm 2014) xuống 2,33% (năm 2016) và 2% (năm 2017). Không chỉ vậy, trong quá trình công tác, các TTV của dự án còn là “cầu nối” hiệu quả để kết nối các đối tượng với cơ quan quản lý, như: Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh giúp đỡ vốn, đào tạo nghề để các chị em chuyển đổi nghề nghiệp. Theo đó, trong năm 2017, 6 chị em được hỗ trợ vốn kinh doanh, hàng chục chị em được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.
Như vậy, không chỉ chia sẻ cùng người nhiễm HIV, chương trình còn là một mô hình hoạt động hiệu quả, cách làm mới trong phòng chống HIV/AIDS hiện nay./.
Hà Phong
Từ khóa:
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
10-01-2025 07:04 56
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
08-01-2025 13:40 25
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46