Lao động
Cần đồng bộ nhiều giải pháp cho mục tiêu việc làm bền vững...
12:29 PM 14/12/2024
(LĐXH) - Tính đến cuối năm 2024, nhiều kết quả quan trọng trong phục hồi và phát triển nhanh kinh tế - xã hội, nhưng phát triển thị trường lao động vẫn chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, còn mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các ngành, nghề và chất lượng nhân lực chưa cao. Cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để hướng đến bền vững trong việc làm và thu nhập cho người lao động....
Cần tiếp tục có nhiều giải pháp đồng bộ tạo việc làm bền vững cho người lao động
Cùng với đó, thiên tai, bệnh dịch cũng ảnh hưởng đến thị trường lao động, người lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp… khiến cho quan hệ cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp…
Để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, các cấp các ngành cần triển khai các giải pháp đồng bộ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cùng cũng như khu vực, vùng miền và địa phương, cụ thể là:
- Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao, tạo môi trường cho lao động trí thức, lao động chất lượng cao tự do di chuyển giữa các ngành, vùng, lĩnh vực trong nước và quốc tế; đổi mới và hoàn thiện cơ chế thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và cạnh tranh khu vực, quốc tế. Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng trang bị năng lực toàn diện cho người học, nhất là năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tiếp cận tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực và thế giới, khả năng lập nghiệp...
- Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tìm việc cho người lao động. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hoá. Tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long...
- Tăng cường chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm và phát triển việc làm bền vững cho các nhóm lao động đặc thù, yếu thế như người nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các nhóm đối tượng yếu thế, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng chiến lược, chính sách tạo việc làm phù hợp và thu nhập thoả đáng cho người cao tuổi có nhu cầu làm việc để người cao tuổi chủ động đảm bảo an ninh thu nhập và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội…/.
Hữu Bắc