Xã hội
Cao Bằng: Hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo bền vững
08:38 AM 29/09/2024
(LĐXH) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giảm dần theo các năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,23%, đạt 105,75% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,21%. Dự kiến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4% trở lên (riêng huyện nghèo giảm từ 5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm.
Tập huấn giảng viên nguồn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
 
Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương là 1.631,743 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh dự kiến đối ứng tối thiểu 3% để thực hiện dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo) khoảng 93,416 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2024, Ngân hàng chính sách xã hội Cao Bằng đã thực hiện cho vay 76.077 lượt hộ, với số tiền 1.760 tỷ đồng từ các Chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác để phục vụ sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, huy động nguồn vốn từ các công ty, doanh nghiệp, các tấm lòng hảo tâm và các hộ tham gia là 70,886 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH Cao Bằng, đến nay, sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, có 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình thủy lợi.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 50 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu phát triển sản xuất thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Về các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu về việc làm được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Có 407 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Có 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT.
Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 90%. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%.
Chiều thiếu hụt về nhà ở, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. 73,53% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt 81,7% kế hoạch; 36,2% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 60% kế hoạch.
Chiều thiếu hụt về thông tin: Giai đoạn 2021-2024, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã đề ra các chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền và truyền thông thông qua tập huấn cho người nghèo, hộ nghèo, qua đó đã có sự thay đổi về nhận thức, cách nghĩ, cách làm để nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh./.
 
Thu Hương
Từ khóa: