Cao Bằng tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu lao động
(LĐXH)Trong năm 2022, mặc dù còn gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song toàn tỉnh Cao Bằng đã đưa được 260 lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaisia, Singapo, Angieri, Quata... Trong quý I/2023, tỉnh có 66 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới nhằm hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động nhất là lao động ở nông thôn và ở địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong quý II đến hết năm 2023, tỉnh Cao Bằng tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 07/4/2023 của Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Từ năm 2023, Cao Bằng đặt mục tiêu mỗi năm toàn tỉnh đưa trên 150 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó 100% người lao động được đào tạo cơ bản ngoại ngữ của thị trường tiếp nhận lao động, 15% người lao động được đào tạo chuyên sâu, đạt trình độ, tay nghề cao.
Giải pháp được Cao Bằng đề ra là đẩy mạnh công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị số 20-CT/TW, Kế hoạch số 228-KH/TU, các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, trong đó chú trọng các hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua tổ chức các hội nghị, cuộc họp, các phiên giao dịch việc làm, sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân phố và tuyên truyền trên các phương tiện thông đại chúng, mạng xã hội. Nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã, cán bộ thực hiện công tác tư vấn về các chế độ, chính sách, trình tự, thủ tục, phương thức hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động và các thông tin liên quan.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý của các Sở, Ban ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã bảo đảm việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp thực hiện việc khảo sát nhu cầu lao động, tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng, học ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn, hộ sinh sống tại địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động sau khi đi nước ngoài làm việc quay về địa phương có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác dự báo, tổng hợp, kết nối thông tin thị trường lao động của tỉnh với thị trường lao động ngoài nước. Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tốt công tác dự báo, cập nhật, phân tích thông tin thị trường lao động nước ngoài để tham mưu cho các Sở chuyên ngành, UBND cấp huyện có những định hướng, hỗ trợ người lao động có nhu cầu đi làm việc nước ngoài; kết nối doanh nghiệp và người lao động để tiếp cận, trao đổi thông tin, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về trình độ, năng lực để tạo cơ sở gắn kết khâu đào tạo với yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng trong triển khai thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Triển khai đa dạng các hình thức liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm nâng chất lượng đào tạo nghề, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiệm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện các giải pháp nêu trên, UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra; tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo các cơ quan cấp trên theo quy định.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định về quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài, căn cứ yêu cầu của thực tiễn, chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nghiên cứu tham mưu triển khai thực hiện thí điểm đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo các quy định hiện hành.
Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tốt công tác dự báo, cập nhật, phân tích thông tin thị trường lao động nước ngoài, đề xuất những định hướng, hỗ trợ người lao động có nhu cầu đi làm việc nước ngoài; kết nối doanh nghiệp và người lao động để tiếp cận, trao đổi thông tin, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về trình độ, năng lực để tạo cơ sở gắn kết khâu đào tạo với yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Cao Bằng, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Cao Bằng, UBND các huyện, thành phố, Các Sở, Ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, căn cứ nhiệm vụ giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 228-KH/TU./.
MH
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48