Xã hội
Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện – Phương thức quản lý đối tượng và triển khai chính sách hiệu quả
07:33 PM 24/11/2020
(LĐXH)-Đứng trước yêu cầu về đổi mới công tác chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công (NCC) với cách mạng theo phương thức hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tạo sự minh bạch cũng như giảm tải áp lực cho cán bộ xã, phường trong điều kiện Chính phủ yêu cầu tinh giản biên chế “đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015” tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Bộ LĐTBXH đã thực hiện thí điểm mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện từ năm 2016.
Tính đến thời điểm tháng 11/2019, toàn quốc đã triển khai thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng qua hệ thống Bưu điện tại 20 tỉnh, thành phố.
Trong đó, 16 tỉnh đã thực hiện bàn giao công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện trên địa bàn toàn tỉnh, còn lại 04 tỉnh mới triển khai thí điểm tại địa bàn một số huyện, cụ thể: Quảng Ninh, Ninh Thuận, Thái Nguyên thí điểm tại 3 huyện, Nghệ An thí điểm tại 5 huyện. Hàng tháng, bưu điện đã tổ chức gần 3.600 điểm chi trả, bố trí 3.242 nhân viên chi trả cho 360.000 người hưởng với số tiền lên đến 620 tỷ đồng. Tính từ thời điểm triển khai (năm 2016) của mỗi tỉnh đến 30/9/2019, cơ quan Bưu điện đã triển khai chi trả 3.476.125 lượt đối tượng hưởng với số tiền chi trả gần 5.800 tỷ đồng.
Đối với chi trả trợ cấp ưu đãi người có công một lần, 8/20 tỉnh đã thực hiện chi trả qua bưu điện bao gồm: An Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, nghệ An, Đăk Nông, Hưng yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa với tổng số tiền chi trả trợ cấp một lần xấp xỉ 96 tỷ đồng cho 135.384 lượt đối tượng hưởng.
Công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện đã giúp tách bạch việc chi trả chế độ với công tác quản lý đối tượng
Với phương thức chi trả trợ cấp qua cơ quan Bưu điện, các địa phương đã thu được nhiều tiện tích và hiệu quả trong công tác chi trả và quản lý kinh phí chi trả.
Cụ thể, đối với công tác quản lý đối tượng và triển khai chính sách: Mô hình chi trả này tách việc chi trả chế độ với công tác quản lý đối tượng, sẽ góp phần giảm công việc cho cán bộ chi trả xã, phường có thời gian để tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời việc nghiên cứu, hướng dẫn chế độ chính sách, đẩy nhanh tiến độ xác lập hồ sơ đối tượng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo tốt hơn công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tinh  giản biên chế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với công tác Tài chính: Mô hình đã giúp tách bạch trong việc chi trả và tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, tránh được những rủi ro có thể xảy ra, trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, công tác an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp, nguồn tiền chi trả được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn do ngành Bưu điện là doanh nghiệp nhà nước lớn, có chức năng nhiệm vụ phù hợp, có uy tín.
 Đối với đối tượng thụ hưởng: Mô hình chi trả qua hệ thống bưu điện đảm bảo tính chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, minh bạch, kịp thời đúng đối tượng; mạng lưới chi trả đến tận xã, phường thuận lợi cho người thụ hưởng; việc chi trả được ứng dụng công nghệ thông tin nên đảm bảo chính xác, nhanh chóng; các trường hợp không đi lại được cán bộ đến tận nhà để chi trả. Cùng với việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp đối tượng Bảo trợ xã hội và chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống Bưu điện tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng nhiều chế độ không phải đi lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, do mô hình được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp nên việc triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện đã cơ bản tuân thủ theo hợp đồng nguyên tắc giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Bưu điện thành phố và hợp đồng chi trả giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện với Bưu điện trực thuộc.
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với ngành Bưu điện được thực hiện thường xuyên từ thành phố đến quận, huyện; những vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình thực hiện chi trả, hai cơ quan đã tổ chức họp bàn biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Hơn nữa, hai đơn vị đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên đã thay đổi nhận thức của người hưởng chế độ và người dân về chủ trương của Nhà nước trong việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện.
Các điểm chi trả của Bưu điện khang trang, lịch sự, thuận tiện, đội ngũ  chi trả chuyên nghiệp. Bưu điện đã bố trí đảm bảo về con người, cơ sở vật chất và thực hiện đúng chế độ, thời gian chi trả hàng tháng cho đối tượng.
Nguồn tiền chi trả được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn bởi ngành Bưu điện là doanh nghiệp nhà nước lớn, có chức năng nhiệm vụ phù hợp, có uy tín.
Trên cơ sở những điểm mạnh của việc thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện tại 20 địa phương, thời gian tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác quản lý, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng “Xây dựng Mô hình Quản lý - Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ”./.
Nam Tiến
Từ khóa: