Xã hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc với Trung tâm Lưu giữ quốc gia III
09:52 AM 26/07/2018
(LĐXH)- Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018), chiều 25/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Lưu giữ quốc gia III, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ).
Cùng đi còn có các đồng chí lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Lao động – TBXH...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao hoạt động lưu trữ của Trung tâm
Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang lưu trữ khoảng 72.000 hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B, trong đó có 56.963 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước. Hồ sơ gồm các loại giấy tờ: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, Sơ yếu lý lịch, Chứng chỉ, bằng cấp chứng nhận trình độ học tập; các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển, đơn tình nguyện đi B, bằng khen, giấy khen, thư từ cá nhân... Kỷ vật gồm có: Huy hiệu, phiếu tiết kiệm, công trái, tiền vàng… Trung tâm cũng đang bảo quản gần 14.000 mét giá tài liệu, gồm tài liệu của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ…
Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH thăm các phòng lưu trữ
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao đội ngũ những người làm công tác lưu trữ nói chung và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm Lưu giữ quốc gia III nói riêng đã luôn nỗ lực sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý của quốc gia, dân tộc, trong đó có những tài liệu, kỷ vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Những hiện vật, kỉ vật, hồ sơ, hình ảnh, di vật rất quý giá từ khi tiếp nhận được Trung tâm bảo quản gần như nguyên vẹn.
Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH thăm phòng lưu trữ hồ sơ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho rằng: Những hồ sơ này được chuyển về các địa phương, tuy nhiên vẫn là lưu trữ, chưa được trưng bày, thông tin rộng rãi. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động - TBXH phối hợp với Bộ Nội vụ sẽ bàn bạc làm sao đưa 72.000 hồ sơ này lên trên mạng. Để từ lưu trữ đưa ra cho công chúng biết được thông tin; các cơ quan thông tấn, báo chí chú trọng tuyên truyền, giới thiệu về những hồ sơ cán bộ đi B. Nếu gia đình và thân nhân của họ nhận được, đây quả là quà tặng quý giá cho gia đình khi nhận được kỉ vật này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá sự cẩn trọng trong quá trình lưu trữ hồ sơ
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm về sắc lệnh, tài liệu của kì họp Quốc hội thứ nhất năm 1946 trong các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, giúp các đại biểu Quốc hội thấy và hiểu rõ hơn những tiền nhân đã xây dựng những viên gạch đầu tiên để góp cho Quốc hội ngày nay như thế nào. Bên cạnh đó, việc lưu trữ trong thời đại thông tin phải được số hóa, bởi lẽ khi cần thông tin tra cứu đều có có mã số, kí hiệu… Tuy nhiên, đối với những kỉ vậy không số hóa được như sắc lệnh, thư tay mà bác Hồ kí và kỉ vật đối tượng đi B không gia đình nào nhận phải lưu trữ thì Trung tâm Lưu trữ cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Chủ tịch Quốc hội tham quan khu trưng bày kỷ vật
Trước những kiến nghị của Trung tâm Lưu giữ quốc gia III, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ chỉ đạo và đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm hơn tới công tác văn thư, lưu trữ; phối hợp chặt chẽ với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhằm sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý; tuyên truyền và công bố các tài liệu, kỷ vật, đặc biệt là tài liệu, kỷ vật của cán bộ đi B, thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ nguồn tới các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giúp cán bộ đi B hoặc người thân của cán bộ đi B có thể tiếp cận được với hồ sơ, tiếp nhận kỷ vật…

Chí Tâm

Từ khóa: