Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuần Giáo
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo; thời gian qua, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp.
Học hết lớp 9, anh Lò Văn Thiện ở bản Cưởm, xã Quài Cang tạm dừng việc học để phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Nhưng với đặc điểm kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, anh chỉ biết quanh quẩn với ruộng, vườn, thỉnh thoảng có ai thuê việc gì thì làm việc ấy nên thu nhập bấp bênh, đời sống kinh tế khó khăn. Năm 2017, được sự động viên của gia đình, anh tham gia lớp học nghề gò hàn trong thời gian 3 tháng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo tổ chức. Với quyết tâm học nghề để thoát khỏi đói nghèo, cùng sự chỉ bảo tận tình của giáo viên Trung tâm giúp anh nắm bắt được các kỹ năng cơ bản trong nghề gò hàn. Sau khi tốt nghiệp, anh nhanh chóng tìm được việc làm ổn định tại xưởng cơ khí ngay trên địa bàn xã với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng. Vừa làm anh vừa học hỏi, đúc rút thêm kinh nghiệm nên đến thời điểm hiện tại, anh đã trở thành thợ chính của xưởng với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, anh còn trực tiếp nhận thi công cửa sắt, mái tôn… cho các hộ gia đình để kiếm thêm thu nhập. Trong thời gian tới, nếu công việc thuận lợi, anh dự định kết hợp với một vài anh em thành lập xưởng riêng để mở rộng sản xuất. Cùng năm, nhưng khác lớp với anh Thiện, anh Quàng Văn Trịnh, bản Noong Giáng, xã Quài Nưa cũng đã có thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp lớp sửa chữa xe máy tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo. Có nghề trong tay, anh mạnh dạn mở cửa hàng sửa chữa xe máy ngay trên mảnh đất ven quốc lộ của gia đình. Ngoài ra, bằng sự nhạy bén trong kinh doanh, anh bàn với vợ mở thêm cửa hàng tạp hóa, thu mua nông sản… Với mô hình kinh tế đa dạng như vậy, gia đình anh thu nhập khấm khá, sắm sửa được nhiều vật dụng có giá trị trong gia đình.
Anh Thiện, anh Trịnh chỉ là 2 trong số hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề và tạo việc làm mỗi năm trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Theo thống kê, số người trong độ tuổi lao động của huyện Tuần Giáo chiếm trên 60% tổng dân số. Ðây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhưng cũng là vấn đề khó khăn thách thức trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của địa phương. Trước thực trạng đó, huyện tổ chức điều tra, rà soát số lượng lao động trên địa bàn, qua đó nắm bắt kịp thời số lao động có việc làm, không có việc làm, lao động được đào tạo nghề, lao động chưa qua đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức tuyển sinh mở các lớp dạy nghề trên địa bàn cho phù hợp. Công tác tổ chức điều tra thu thập thông tin về cung, cầu lao động; cơ sở dữ liệu thị trường lao động và thực trạng sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cũng được thực hiện thường xuyên. Ông Vũ Ðức Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo cho biết: Trong thời gian qua, Trung tâm tiến hành đào tạo các hệ sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên với đa dạng các ngành nghề đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo người dân lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các nghề được đào tạo chủ yếu là nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Cụ thể như các lớp: Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng - trừ dịch hại cho các loại cây trồng; kỹ thuật trồng và khai thác rừng; sửa chữa xe máy, máy công trình; gò hàn cơ khí; kỹ thuật xây dựng... Trung tâm tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên trong công tác tuyển sinh, nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng của người học để kịp thời đưa ra những giải pháp thực hiện hợp lý, tạo điều kiện cho người học quen dần và tiếp cận khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm đào tạo nghề cho 616 lao động, gồm 19 lớp nông nghiệp, 2 lớp phi nông nghiệp. Lao động qua đào tạo đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt gần 80%. Một số nghề có tỷ lệ tìm được việc làm cao như: Sửa chữa xe máy, gò hàn, xây dựng dân dụng… Nhiều học viên sau khi học nghề mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình.
Diệp Chi
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47