Đà Nẵng: Hơn 92 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
(LĐXH) - Năm 2020, Đà Nẵng chịu tác động rất lớn do trải qua các đợt dịch Covid-19 và các đợt cách ly kéo dài. HIện thành phố có hơn 191.500 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19; trong đó, có hơn 21.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 70.920 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 99.580 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm…
Ngoài ra, do người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, dẫn đến hơn 40.300 lao động tự do không có việc làm, số người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng; kinh tế tăng trưởng âm 9,71%; thu ngân sách chỉ đạt trên 60%. Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, đến nay, thành phố đã chi hỗ trợ cho 326.141 lượt đối tượng với tổng kinh khí hơn 501,7 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu tập trung ưu tiên cho đối tượng người lao động bị mất việc, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2021 tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết của ngành, lãnh đạo Sở LĐ – TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết: Dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4 năm 2021 làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… trên địa bàn thành phố một lần nữa bị ảnh hưởng rất lớn. Các doanh nghiệp, cơ sở phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm dẫn đến một bộ phận lao động phải nghỉ việc, ngừng việc, không có nguồn thu nhập, nhất là lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, giáo dục ngoài công lập. Ngoài ra, có một số đối tượng thuộc diện người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và một bộ phận nhân dân, người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Dự kiến, TP Đà NẴng sẽ chi hơn 92 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Nhằm ổn định cuộc sống của các đối tượng là người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động bị mất việc làm không có nguồn thu nhập dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của bản thân và gia đình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố các chính sách hỗ trợ đối tượng này tổng kinh phí trên 92 tỷ đồng, bao gồm:
- Người có công và đối tượng xã hội (Nhóm chính sách đặc thù riêng của thành phố), trong đó người có công cách mạng bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/lần, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng (bao gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi): 1.000.000 đồng/người/lần, Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố: 500.000 đồng/người/lần,
- Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, bao gồm: Giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch, lái xe, phụ xe của 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố, lái xe, phụ xe các tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động trên địa bàn thành phố; làm việc ở đơn vị lữ hành, lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch, làm việc ở các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình và bán vé số: 1.500.000 đồng/người/lần.
- Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch theo khoản 9 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ: 3.710.000 đồng/người/lần.
- Hộ kinh doanh ở các chợ đêm có đăng ký kinh doanh tại các địa phương theo khoản 10 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ: 3.000.000 đồng/hộ/lần.
Ngoài các chính sách dành cho đối tượng đặc thù của thành phố, Sở đang triển khai hỗ trợ cụ thể đối với đối tượng lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tham mưu cụ thể về đối tượng, cách thức, chính sách thực hiện, phương thức hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp, lao động, người dân, đảm bảo sự công bằng, hiệu quả, thiết thực; lưu ý cách thức thực hiện để sớm hỗ trợ cho người dân.
Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, diễn biến phó lường, tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn duy trì triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, duy trì thực hiện một số chính sách tiêu biểu, có hiệu quả như: tiếp tục duy trì và thực hiện các chính sách, giải pháp tạo việc làm, hoàn thành Chương trình “Có việc làm” năm 2011, chú trọng nâng cao chất lượng việc làm, duy trì tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ và di động; duy trì cập nhật biến động cơ sở dữ liệu về cung và cầu lao động. Nhằm tăng cường kết nối lao động, giới thiệu việc làm góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện nay, trong 6 tháng đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố nỗ lực phối hợp với các địa phương tổ chức ngày hội việc làm thu hút hơn 1.000 lượt người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố vẫn duy trì việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tuần, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online. Bên cạnh đó, qua theo dõi các doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động… nhờ vậy đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Tính đến cuối tháng 6/2021 đã tổ chức được 14 phiên giao dịch việc làm, với 1.881 lượt đơn vị tham gia; thu hút 49.987 người có nhu cầu tuyển dụng và đã tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 1.125 lao động;
Bên cạnh đó, Sở LĐ – TB&XH còn tham mưu UBND thành phố Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” của thành phố. Chủ động tập huấn điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2025. Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững của Trung ương và thành phố, nghiên cứu, phân loại các đối tượng nghèo, tham mưu một số cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp, tác động trực tiếp đến từng nhóm đối tượng, góp phần thúc đẩy việc giảm nghèo nhanh và bền vững như: chính sách cải thiện nhà ở, chính sách tín dụng, chính sách về giáo dục, chính sách hỗ trợ về y tế, chính sách bảo trợ xã hội. Các chính sách được triển khai khá toàn diện đã giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển các ngành nghề, mô hình…; chăm lo đời sống về vật chất lẫn tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở LĐ – TB&XH Đà Nẵng cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hết sức phức tạp, lao động việc làm tiếp tục khó khăn, việc tổ chức phiên chợ việc làm không được thường xuyên do giãn cách xã hội, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch tiếp tục không có việc làm, các trường nghề tạm ngừng hoạt động ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy, đời sống giáo viên…. Để khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển nền kinh tế, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện nhanh nhất việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid 19: Đối tượng là người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động bị mất việc làm không có nguồn thu nhập theo chính sách đặc thù của thành phố và đối tượng lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục duy trì những chính sách an sinh xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chính sách về giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung vào việc giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và các chính sách giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao mức sống cho người nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thành phố cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về việc làm, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng về việc làm, đời sống của người dân để có chính sách, giải pháp hỗ trợ. Duy trì và tăng cường năng lực sàn giao dịch việc làm. Mở rộng các hình thức trên nhiều kênh cung cấp thông tin thị trường lao động để kết nối cho người lao động. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp. Tăng cường kết nối cung cầu lao động, kết nối với doanh nghiệp, tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời công tác phục hồi sản xuất kinh doanh, tuyển dụng lao động để tư vấn cho người lao động và cung cấp thông tin để kết nối, chuyển đổi việc làm. Tăng cường công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; Nghiên cứu trình UBND thành phố về mức hỗ trợ đào tạo, mở rộng đối tượng để người lao động có cơ hội học nghề, chuyển đổi ngành nghề. Xây dựng các mô hình đào tạo gắn với sản xuất để giải quyết việc làm tại chỗ; ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm.
Nam Khánh
Từ khóa:
-
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
23-12-2024 22:21 59
-
TP.HCM: Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI
23-12-2024 22:20 38
-
Nam Định triển khai thực hiện Chương trình Việc làm tốt hơn
11-12-2024 17:05 11
-
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
05-12-2024 16:54 04
-
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
20-12-2024 18:46 27
-
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
20-12-2024 18:46 03
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00