Lao động
Đắk Lắk đào tạo nghề cho 4.606 lao động nông thôn
12:48 PM 26/12/2016
(LĐXH) - Thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn .
Mô hình đào tạo nghề trồng nấm rơm cho lao động nông thôn ở Đắk Lắk đạt hiệu quả cao

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, Trong năm 2015, với nguồn kinh phí được giao: 13.024 triệu đồng,Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức mở 138 lớp đào tạo nghề cho 4.606 người (trong đó: Nữ 2.473 người; DTTS: 3.423 người; được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: 04  người; hộ nghèo: 133 người; thuộc hộ bị thu hồi đất: 20 người; hộ cận nghèo: 48 người; lao động nông thôn khác: 962 người), đạt 94% so với kế hoạch năm 2015 được Bộ giao và đạt 54,83% kế hoạch đề ra.

Riêng công tác hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật: 35/300 người chỉ đạt 11,6% KH Trung ương giao (nguyên nhân do không tuyển sinh được học viên là người khuyết tật).

Về hoạt đồng đầu tư cơ sở vật chất, với nguồn kinh phí phân bổ trong năm với 2.000 triệu đồng đã thực hiện mua sắm thiết bị dạy nghề theo định hướng phát triển nghề nghiệp tại địa phương cho 05 trung tâm dạy nghề các huyện: Buôn Đôn, M'Drắk, Lắk, Krông Ana, Krông Pắk.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức xã cũng được Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các sở ngành liên quan tổ chức 07 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 521 lượt cán bộ, công chức xã theo Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh theo kinh phí được giao: 320 triệu đồng.

 Về công tác giám sát, đánh giá UBND tỉnh cũng đã thành lập Đoàn giám sát lao động nông thôn tại 19 cơ sở dạy nghề được giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhìn chung các đơn vị tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định và yêu cầu về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đoàn đã đến từng lớp học, kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và việc cung cấp nguyên, vật liệu thực hành cho học viên học nghề đều đảm bảo theo dự toán và các quy định tổ chức lớp;         

Bên cạnh đó, trong năm Sở cũng đã tham mưu cho Ban chỉ đạo 1956 cấp Tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề lao động nông thôn của Ban chỉ đạo 1956 cấp huyện, xã tại các huyện: Krông Ana, Cư M'gar, M'Đrắk, TX. Buôn Hồ, Ea Súp.  

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong năm 2015 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế: Đó là, Thiết bị dạy nghề tại các cơ sở được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, công nghệ chưa bắt kịp với công nghệ sản xuất hiện đại của doanh nghiệp, điều này đã làm giảm chất lượng tay nghề học sinh sau đào tạo, chưa đáp ứng tốt yêu cầu kỹ năng tay nghề của người sử dụng lao động.

Tại một số cơ sở dạy nghề, trong công tác đào tạo chưa chú trọng về tác phong công nghiệp trong sản xuất, điều này làm nguồn lao động sau đào tạo của tỉnh nhà chưa bắt kịp nhịp độ chuyên nghiệp, làm giảm sự cạnh tranh sức lao động trong khu vực.

Vấn đề việc làm cho lao động sau học nghề vẫn là một khó khăn khó khắc phục.

Được biết, chỉ tiêu đào tạo nghề trong năm 2016, Đắk Lắk phấn đấu tuyển mới học sinh học nghề đạt: 31.700 người, trong đó: hệ cao đẳng nghề: 1.550 người; hệ trung cấp nghề: 2.550 người, hệ sơ cấp nghề: 27.600 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 8.400 người (2.858 người học nghề nông nghiệp; 5.542 người học phi nông nghiệp     

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt đến 52%,và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt đến 41%.

                                                                                                 Lê Việt

Từ khóa: