Đắk Lắk: Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn cơ bản ổn định
(LĐXH)-Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên với dân số trung bình hiện nay khoảng 1,9 triệu người, dân số khu vực nông thôn chiếm trên 75%, phần lớn người dân làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh có trên 12.000 doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh) đang hoạt động. Tuy nhiên, theo Niên giám Thống kê hàng năm, số doanh nghiệp thực tế hoạt động chỉ khoảng 6.000 doanh nghiệp, doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, số lượng lao động sử dụng ít.
Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có phát sinh các vụ khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân với các công ty nông, lâm nghiệp, nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: đòi giảm khoán, người nhận khoán không chịu nộp sản phẩm, không thanh lý hoặc ký lại hợp động khoán, tự ý chặt phá vườn cây, tự ý chuyển nhượng đất và vườn cây bất hợp pháp, lấn chiếm đất trái phép,...
Những vụ khiếu kiện, tranh chấp có dấu hiệu gia tăng kể từ khi các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện việc chuyển đổi theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 và rà soát, ký kết lại hợp đồng giao nhận khoán theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ. Các vụ khiếu kiện, tranh chấp nêu trên chủ yếu liên quan đến hợp đồng khoán giữa các bên nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Trước tình hình diễn ra, thời gian qua, các ngành, các cấp của tỉnh đã kịp thời, nỗ lực triển khai các biện pháp để giải quyết. Tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân hiểu, nhận thức đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động. Chú trọng thông tin, tuyên truyền pháp luật về lao động, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến quan hệ lao động, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai và thực hiện.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động. Cụ thể là đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về lao động; đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, giảm thiểu các tranh chấp, xung đột, tạo môi trường thuận lợi cho xây 3 dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; xử lý nghiêm minh các vi phạm liên quan đến lao động và quyền lợi hợp pháp của người lao động; tăng cường phối hợp, tích hợp thông tin dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động; tăng cường công tác thông tin, dự báo, kết nối cung - cầu và phát triển thị trường lao động để các bên có cơ sở đối thoại, thương lượng. Đồng thời thúc đẩy hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, trong đó, cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể bảo đảm thực chất; thúc đẩy thương lượng, thoả thuận về tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc và các chế độ phúc lợi, khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp; mở rộng đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể cấp ngành và nhóm doanh nghiệp; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.
Hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động cũng ngày càng hiệu quả. Các cấp công đoàn đã nỗ lực đổi mới hoạt động theo hướng xây dựng công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động; lấy sự hài lòng của người lao động làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới làm tốt chức năng đại diện trong đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bên cạnh những giải pháp trên, Đắk Lắk còn thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp lao động. Tỉnh đã phát huy vai trò của hoà giải viên lao động, trọng tài lao động trong hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động. Rà soát, kiện toàn lại hội đồng trọng tài lao động, hòa giải viên lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Việc giải quyết tranh chấp lao động bảo đảm đúng quy định của pháp luật, hài hoà lợi ích các bên và giữ vững an ninh, trật tự xã hội; xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động gây rối an ninh, trật tự.
Công an tỉnh cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin chính thức, nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động gây rối an ninh, trật tự; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ động nắm tình hình và phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp bảo đảm việc hoạt động của tổ chức người lao động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá, so với những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, số lượng người lao động lớn như ở các tỉnh, thành phía Nam thì số vụ tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp không nhiều, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cơ bản ổn định. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk chưa xây dựng Đề án phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2021 – 2025.
Nhằm phát triển quan hệ lao động hiệu quả, tỉnh Đắk Lắk đề nghị, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các hội nghị tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, hòa giải viên lao động, trọng tài lao động của địa phương theo nội dung Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với việc xây dựng Đề án phát triển quan hệ lao động, cần có tiêu chí cụ thể để xác định việc xây dựng hay không xây dựng Đề án, nhất là đối với các địa phương có tình hình quan hệ lao động ổn định, các địa phương có nguồn thu ngân sách hạn chế nhằm tránh tình trạng Đề án ban hành nhưng không có nguồn lực để thực hiện./.
Minh Hạnh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48