Lao động
Đắk Lắk: Triển khai hiệu quả dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn
01:32 PM 13/12/2016
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2010-2014, Đắk Lắk đã đào tạo nghề cho 13.751 người, đạt 69,31%. Trong đó, có 1.484 người học xong được doanh nghiệp tuyển dụng, chiếm 15,11% so với người có việc làm, tập trung chủ yếu là nghề may dân dụng, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, nấu ăn…
Trang bị kỹ năng nghề cho lao động nông thôn góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo có hiệu quả ở Đắk Lắk

Qua đánh giá, đạt được kết quả trên do nhiều yếu tố, trong đó có sự triển khai hiệu quả các mô hình dạy nghề như: trồng nấm, chăn nuôi gà, heo, bò...; may công nghiệp, may dân dụng…Điển hình có Trung tâm Dạy nghề Tây Nguyên đã đăng ký đào tạo nghề ngắn hạn về nông nghiệp và phi nông nghiệp. Năm 2015, Trung tâm tổ chức tuyển sinh đào tạo được 3.419 học viên. Trong đó, hệ sơ cấp nghề có 105 học viên là lao động nông thôn và có 101 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ đào tạo nghề dưới 3 tháng có 3.314 người, trong đó có 120 người là dân tộc thiểu số.

Bà Phạm Thị Loan – Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và xem đây là nhiệm vụ quan trọng để thay đổi tích cực về nhận thức dạy nghề và học nghề, giúp cho lao động nông thôn có việc làm, có thu nhập và hướng đến đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Năm 2015, Sở đã giao chỉ tiêu cho Trung tâm dạy nghề Tây Nguyên phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Hòa Phú đào tạo 2  lớp may công nghiệp với 70 học viên là lao động nông thôn.

Sau 3 tháng học tập, các học viên đã nắm vững tính năng, hoạt động của máy may công nghiệp; có kiến thức cơ bản về nguyên vật liệu, phụ liệu trong ngành; có thể tự sửa chữa các hư hỏng thông thường của thiết bị; có thể ráp may theo từng công đoạn và may thành một bộ quần áo sơ mi hoàn chỉnh. Hầu hết các học viên học xong đều có việc làm, một số người tự nhận đồ gia công về may, một số người được nhận vào làm việc tại xưởng may, Công ty tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Chị Hoàng Thị Thúy Hiền ( ngụ thôn 2, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) – học viên lớp may công nghiệp chia sẻ: “Tôi lấy chồng là người dân tộc Ê đê, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên được xã xét duyệt cho tham gia lớp học may. Sau khi học xong 3 tháng thì tôi trích vốn mua máy may gần 4 triệu đồng. Từ khi có nghề, có máy may, tôi nhận hàng gia công về nhà. Hàng nhận may là găng tay, áo – quần gia công nên tôi cũng kiếm được 100 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, tôi cũng tranh thủ mùa hái cà phê làm thêm ở các vườn. Tính ra, từ khi có nghề may này thu nhập của tôi cũng khá hơn, từ 3- 4 triệu đồng/tháng”.

Có thể nói, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nghề may công nghiệp đã có tác động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Với kết quả đó, trong thời gian tới, Đắk Lắk tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thực hiện, gồm: Tích cực phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp việc làm với các đối tượng là đoàn viên thanh niên, thành viên của các hội đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội v.v…, học sinh của các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn.

Tỉnh tập trung thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong hoạt động đánh giá tay nghề, chấm thi tốt nghiệp nhằm giới thiệu nguồn lao động có tay nghề đến người sử dụng lao động đồng thời thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động qua đào tạo.

                                                                                             Thương Hoài

 

Từ khóa: