Xã hội
Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
09:11 PM 21/09/2024
(LĐXH) - Cải thiện dinh dưỡng là một nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang được tỉnh Đắk Nông quan tâm thực hiện với mục tiêu nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh tập trung hỗ trợ trực tiếp đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp cận với các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng

Trên cơ sở văn bản của các bộ, ngành, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch về thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng thuộc Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong 2 năm (2023-2024), tỉnh Đắk Nông được phân bổ kinh phí 13.442 triệu đồng. Tính đến tháng 7/2024, đã giải ngân được 2.271/13.442 triệu đồng, đạt tỷ lệ 16,89% kế hoạch vốn được giao.

Ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và phối hợp với cácđơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện chương trình theo đúng quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến cáo người dân về dinh dưỡng. Đến nay, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hoạt động cải thiện dinh dưỡng trên địa bàn. Các hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em 0-16 tuổi được triển khai tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là hạ xuống mức thấp các thể thiếu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo Tuy Đức và Đắk Glong. Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh; trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú sinh sống trên địa bàn huyện nghèo Tuy Đức và Đắk Glong. Bảo đảm ứng phó về phòng, chống suy dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp cho hộ gia đình trên địa bàn huyện nghèo Tuy Đức và  Đắk Glong.

Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, cho con bú. Hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thực hành dinh dưỡng được triển khai với nhiều hình thức phong phú và nội dung đa dạng, lồng ghép với các chương trình dinh dưỡng đang được triển khai tại cộng đồng. Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của sự phát triển toàn diện của trẻ trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt là trong 1.000 ngày vàng để nâng cao thể chất, trí tuệ cho trẻ. Đa dạng hoá loại hình, phương thức, nội dung truyền thông phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng truyền thông trực tiếp đến các đối tượng, vùng miền có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo.

Nhìn chung, việc triển khai chương trình đã phần nào nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, việc thực hiện Tiểu dự án còn một số khó khăn, vướng mắc như: Trên địa bàn tỉnh, số lượng đối tượng thụ hưởng của Tiểu dự án là trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện rất ít; Công tác tổ chức chào hàng cạnh tranh qua mạng các đơn vị cung ứng không tham gia, do các đơn vị không đủ điều kiện về yêu cầu sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế và thủ tục tham gia phức tạp. Đồng thời, năm 2024 Sở Y tế cũng được giao nguồn vốn cải thiện dinh dưỡng để thực hiện, dẫn đến số đối tượng thụ hưởng dễ bị trùng lặp, khó phân chia để giải ngân, tỷ lệ giải ngân thấp. Nhân lực tại các tuyến huyện, xã còn thiếu, luân chuyển và phải phụ trách nhiều Chương trình khác cho nên việc triển khai các hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong năm 2025, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 2% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh và trẻ em sinh sống trên địa bàn hai huyện nghèo Tuy Đức và Đắk Glong. Tỉnh sẽ tập trung tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; Can thiệp, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; Bảo vệ chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường từ 5 đến 16 tuổi.

Phương thức hỗ trợ gồm: Hỗ trợ trực tiếp đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp cận với các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng (cung cấp dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng, quản lý suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng…). Hỗ trợ can thiệp trực tiếp trẻ em từ 5 đến dưới 16 tuổi cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng… Hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi của các đối tượng thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi và người chăm sóc. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn bản; tăng cường nguồn lực và phối hợp liên ngành về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng và theo dõi, giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả hoạt động của Chương trình./.

Hồng Phượng

Từ khóa: