Xã hội
Đắk Nông: Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công
05:09 PM 24/05/2024
(LĐXH) - Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song tỉnh Đắk Nông vẫn đặc biệt quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa. Các chính sách ưu đãi người có công luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng quy định.
Tặng quà cho người có công trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ
Tỉnh Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam của địa bàn chiến lược Tây Nguyên, trong hai cuộc kháng chiến, đây là vùng giao tranh ác liệt. Thống kê, toàn tỉnh hiện có 7.025 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó: có 2.790 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 875 thân nhân liệt sĩ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực người có công.
Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng 9.315 suất quà, với tổng trị giá 9,4 tỷ đồng cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023). Trong đó quà của Chủ tịch nước là 2.664 suất với tổng số tiền 5,1 tỷ đồng; Quà của tỉnh 3.480 suất với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng; Quà của huyện, xã và các đơn vị khác 3.171 suất với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức 04 Đoàn người có công và thân nhân người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung; Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công tỉnh Bình Định; Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công tỉnh Quảng Ngãi với 221 người; Tổ chức Đoàn 25 người có công đi tham quan thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh; tại các địa phương cũng xây dựng kế hoạch vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo từng cấp quản lý. Kết quả tính, toàn tỉnh vận động được 316 triệu đồng (trong đó Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh 54 triệu đồng). Từ nguồn Quỹ vận động được, các địa phương và đơn vị đã hỗ trợ xây dựng mới 04 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 360 triệu đồng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định hồ sơ, ban hành 257 Quyết định trợ cấp một lần và mai táng phí đối với thân nhân người có công với cách mạng, Quyết định mai táng phí đối với thân nhân của đối tượng hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, 142/2008/QĐ-TTg; 32 Quyết định đính chính thông tin trong hồ sơ người có công; Tiếp nhận 83 hồ sơ do các tỉnh chuyển đến và di chuyển 53 bộ hồ sơ người có công sang tỉnh khác.
Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Công văn triển khai thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế để thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Tổ chức khảo sát, đánh giá lại hiệu quả của việc chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân qua cơ quan dịch vụ (hệ thống Bưu điện) trong thời gian qua. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 14/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện chi trả không tiền mặt cho đối tượng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các hồ sơ gian lận, khai không đúng sự thật nhằm trục lợi chính sách; chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện chi trả chế độ hàng tháng đối với người có công với cách mạng.
Sở Xây dựng chủ trì tham mưu triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo quy định. Trên cơ sở phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở của các địa phương, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở theo quy định  tại khoản  6  Điều  102  Nghị  định  số 131/2021/NĐ-CP  ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa, tổ chức rà soát, thống kê và lập danh sách cụ thể trường hợp đề nghị giải quyết các chế độ đối với người có công với cách mạng nhưng chưa được giải quyết do hồ sơ thất lạc, không còn giấy tờ gốc… ; giải quyết dứt điểm các kiến nghị của công dân về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết. Chỉ đạo rà soát, thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo đúng quy định tại Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ miễn, giảm tiền sử dụng đất theo đúng quy định tại Điều 103 đến Điều 107 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 Chính phủ. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giám sát việc chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng trên địa bàn theo đúng quy định tại Thông tư số 44/2022/TT-BTC ngày 21/7/2022 của Bộ Tài chính; quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân; rà soát, đánh giá những phát sinh, khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết kịp thời.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; hệ thống tra cứu thông tin mộ liệt sĩ quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm huy động tốt nhất mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm sóc tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng. Tăng cường lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ để thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; có giải pháp cụ thể trong công tác giảm nghèo để đảm bảo không còn hộ người có công với cách mạng, hộ có thành viên là người có công thuộc diện hộ nghèo./.
Hồng Phượng