- Ông đánh giá thế nào về vai trò của đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch kéo dài như hiện nay, nhất là với giáo dục nghề nghiệp?
- Theo tôi, giáo dục nghề nghiệp cần phải phát triển đào tạo trực tuyến và coi công nghệ thông tin là khâu đột phá! Chủ trương này được nhấn mạnh nhiều năm qua và chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp còn rất nhiều hạn chế, mà nguyên nhân cơ bản nhất là nhận thức về giáo dục trực tuyến, đào tạo trực tuyến của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Rất nhiều người chưa nhìn nhận đúng về vai trò, xu hướng phát triển của đào tạo trực tuyến; cũng chưa đánh giá đúng hiệu quả công nghệ mang lại. Bởi vậy nhiều đơn vị, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - trong đó cả người dạy, người học và người quản lý đều thờ ơ với đào tạo trực tuyến.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, cả đất nước phải thực hiện giãn cách xã hội, đào tạo trực tuyến đã thực sự được coi trọng. Rất mừng là nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước đây đã quan tâm và triển khai đào tạo trực tuyến, nay họ nhập cuộc rất nhanh và chủ động, đạt được nhiều kết quả tốt. Ngược lại, cũng có nhiều trường còn bỡ ngỡ và tổ chức đào tạo thiếu bài bản, không bảo đảm chất lượng.
- Hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến đã đầy đủ chưa, thưa ông?
- Có thể nói, trong 3 năm qua, Bộ LĐ, TB - XH luôn quan tâm đến phát triển giáo dục trực tuyến. Năm 2018, Bộ ban hành Thông tư số 33/2018 về đào tạo trực tuyến và hướng dẫn học từ xa, tự học có hướng dẫn. Thông tư 33 đã tạo ra khung pháp lý khá hoàn chỉnh, bởi Ban soạn thảo đã tiếp cận các phương pháp đào tạo từ xa của quốc tế cũng như tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các công ty cung cấp giải pháp. Từ đó, đưa ra những tiếp cận mới để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp, mang tính mở cho đào tạo trực tuyến. Chẳng hạn, chúng tôi đưa ra những tiếp cận về công nghệ, hạ tầng, cho phép nhà trường có thể đi thuê, liên kết kinh doanh để sử dụng hạ tầng; hoặc nhà trường có thể liên kết kinh doanh. Đặc biệt, cho phép doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, các công ty tư vấn đào tạo có thể tham gia sâu vào các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cung ứng giải pháp.
Một điểm quan trọng nữa là Thông tư 33 mở ra một hệ thống học liệu mở cũng như công nhận văn bằng, tín chỉ; công nhận các nội dung lẫn nhau giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp tại trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông tư cũng nêu rõ, việc tự học có hướng dẫn là người học có thể tự học và đạt chuẩn đầu ra thì được công nhận và chúng ta không phải đào tạo lại.
Giải pháp tương lai
- Như vậy, đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời, thưa ông?
- Có thể nói, đào tạo trực tuyến là một giải pháp quan trọng trong thời gian tới. Nó giúp chúng ta phát triển được hệ thống giáo dục mở; phát triển đào tạo liên tục và công tác giáo dục ban đầu gắn với tinh thần học tập suốt đời. Đào tạo trực tuyến là giải pháp tương lai. Rất nhiều công nghệ mới sẽ cho phép nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đào tạo; cho phép sử dụng thời gian của giáo viên và người học một cách linh hoạt.
Bên cạnh đó, giáo dục trực tuyến rất hữu ích khi đào tạo lại cho những người đã và đang làm việc. Đây là một công cụ giúp cho các trường nghề có thể tiếp cận rất sớm và tiếp cận liên tục với người học; cho phép kết hợp triển khai song hành giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành; giữa đào tạo tại nhà trường và đào tạo tại doanh nghiệp; giữa việc người học đang học, làm việc tại doanh nghiệp nhưng vẫn có thể tiếp cận được với nhà trường và vẫn được tham gia các quá trình học tập và coi đó tích lũy module tín chỉ để chúng ta có được văn bằng tín chỉ trình độ quốc gia.
- Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Bộ LĐ, TB -XH có tính đến việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh trực tuyến không, thưa ông?
- Đối với công tác tuyển sinh, Bộ LĐ, TB - XH luôn quán triệt tinh thần để các trường tự chủ. Tuy nhiên, để thúc đẩy tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, Bộ hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai những việc kết nối tổng thể như: Ứng dụng công nghệ thông tin trên App điện thoại di động; trên trang Web để cho phép người học được chọn ngành, chọn nghề, chọn trường trực tuyến. Bộ cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh công nghệ thông tin nhất là đối với các chương trình chất lượng cao.
Qua dịch Covid-19, chúng ta có thể thấy được một cơ hội để các trường sáng tạo phương pháp tuyển sinh. Đơn cử, thay vì việc đi làm hội thảo trực tiếp tại các trường, chúng ta có thể tổ chức rất nhiều hội thảo online; có thể đưa vào rất nhiều module, phần mô phỏng online… để giúp học sinh tiếp cận ngay trong thời gian rảnh rỗi.
- Xin cảm ơn ông!
-
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp
26-12-2024 16:48 16
-
Dấu ấn trong phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
17-12-2024 15:35 11
-
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
17-12-2024 14:53 52
-
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
20-12-2024 11:22 43
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
26-12-2024 11:12 36
-
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
16-10-2024 10:52 50