Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống và cai nghiện ma túy
(LĐXH)-Theo đánh giá của Bộ Công an, tình hình tội phạm ma túy ở nước ngoài vào, nguy cơ sản xuất ma túy ở trong nước và sự câu kết giữa tội phạm ma túy ở trong và ngoài nước, vận chuyển qua Việt Nam sang các nước khác hiện nay ngày càng phức tạp, trong khi đó người nghiện vẫn liên tục gia tăng, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có tụ điểm nhạy cảm như quán bar, vũ trường, quán karaoke.
Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp
Ma túy và tội phạm ma túy ma túy ở nước ta ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng ở nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm như tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia, tuyến hàng không, bưu điện, đường biển và tại địa bàn các thành phố lớn. Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy rất cam go, phức tạp và quyết liệt.
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Đặc biệt là các đối tượng trong những vụ án còn rất trẻ, phần lớn là lứa tuổi 9X và 10X.
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ trong 6 tháng đầu năm nay tăng 9,46% số vụ so với cùng kỳ năm ngoái (với hơn 11.200 vụ); xuất hiện tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy.
Các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Lào, Trung Quốc, Đài Loan câu kết với một số đối tượng trong nước hình thành những tổ chức, đường dây tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia, quốc tế. Chúng lợi dụng chính sách xuất, nhập khẩu thông thoáng của Việt Nam để tổ chức vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam, sau đó đưa đi nước thứ 3 qua đường biển, chủ yếu là ma túy tổng hợp. Các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc móc nối với người Việt Nam ở trong nước thành lập công ty sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu thuê kho, xưởng hàng hóa ở TP Hồ Chí Minh ngụy trang với vỏ bọc làm ăn hợp pháp, sau đó chủ mưu điều khiển việc mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan, Campuchia đưa vào TP Hồ Chí Minh, tập kết ở các cơ sở kinh doanh, kho hàng đã thuê sẵn. Ma túy được cất giấu ngụy trang trong hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất như đồ gỗ, thiết bị điện tử, nông sản, trà, hạt nhựa, sắt phế liệu, băng keo, đồ chơi trẻ em, loa thùn… đưa vào contener để vận chuyển bằng đường biển đi các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Philippin, Australia… Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trước đây, Trung Quốc là “trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp” và ma túy được đưa vào Việt Nam rồi mới sang các nước khác. Còn bây giờ dòng ma túy đang “đi ngược” từ Lào, Campuchia qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Tuyến ma túy, nguồn ma túy đã có sự thay đổi nên chúng ta cũng phải có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp.
Người nghiện tiếp tục gia tăng, công tác cai nghiện vẫn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Bộ Công an, tình hình tội phạm ma túy ở nước ngoài vào, nguy cơ sản xuất ma túy ở trong nước và sự câu kết giữa tội phạm ma túy ở trong và ngoài nước, vận chuyển qua Việt Nam sang các nước khác hiện nay ngày càng phức tạp, trong khi đó người nghiện vẫn liên tục gia tăng, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có tụ điểm nhạy cảm như quán bar, vũ trường, quán karaoke.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, Thượng tá Ngô Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) - cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là nhu cầu sử dụng ma túy ngày càng tăng. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý còn cao, tính đến tháng 11-2019 là 235.314 người, tăng 10.215 người so với cùng kỳ 2018. Đáng lo ngại người nghiện ma túy trong độ tuổi 12-18 có xu hướng tăng. Đây chính là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như trộm cắp, giết người, cướp của… làm mất an ninh trật tự xã hội và làm tăng nguồn cầu về ma túy. Bên cạnh đó, Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn cung ma túy. Do vị trí địa lý của Việt Nam rất gần với khu vực Tam giác vàng – là trung tâm sản xuất, mua bán ma túy lớn thứ hai trên thế giới nên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khu vực này. Đường biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc và Campuchia dài, chủ yếu là địa hình đồi núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu và các đường mòn, đường tiểu ngạch nên công tác kiểm soát của các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới gặp nhiều khó khăn, tội phạm ma túy muốn lợi dụng địa bàn Việt Nam làm nơi trung chuyển sang các nước khác dẫn đến tạo ra một nguồn cung rất lớn.
Tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa. Việc sử dụng ma túy hiện không còn lén lút mà công khai, thậm chí giới trẻ còn rủ nhau chơi ma túy tập thể tại nhà riêng, nhà nghỉ, quán karaoke.
Người nghiện ma túy trẻ hóa, nhưng việc xử lí, tổ chức cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do bất cập về các qui định pháp luật, vướng các quy định của quốc tế và Việt Nam về quyền trẻ em, nên việc xử lí, nhất là xử lí hình sự rất khó khăn. Tình trạng chưa thống nhất giữa Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính trong nhiều quy định, vô hình trung tạo ra sự lúng túng, thiếu thống nhất trong việc triển khai ở các địa phương. Hiện theo quy định tại khoản 1 điều 29 Luật Phòng chống ma túy năm 2000 thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên, không có quy định áp dụng bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, các chính sách pháp luật liên quan công tác cai nghiện ở nước ta còn chồng chéo, bất cập, chưa sát với thực tế. Ðơn cử như, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng phải chứng minh được tình trạng nghiện của người nghiện ma túy. Trên thực tế, chỉ cần người nghiện không hợp tác thì rõ ràng không thể xác định được “tình trạng” nghiện, nhất là đối với trường hợp nghiện các dạng ma túy tổng hợp. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy lại quy định việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là trách nhiệm của UBND cấp xã, nhưng thực tế hầu như không có xã, phường nào đủ nguồn nhân lực y tế bảo đảm tính chuyên môn để thực hiện, dẫn đến việc triển khai chiếu lệ, hình thức, không hiệu quả…
Nâng cao công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy
Để công tác cai nghiện hiệu quả, nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo nhấn mạnh cần có sự chung tay của chính quyền, gia đình, xã hội và đặc biệt những người làm công tác cai nghiện. Cùng với đó, hệ thống pháp luật phải đồng bộ, làm sao vừa đảm bảo quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp, đảm bảo nhân quyền cho những người yếu thế nhưng cũng phải đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống ma túy, cai nghiện. Đặc biệt, việc tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền phòng chống ma túy.
Theo Đại tá Vũ Văn Hậu - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, công tác tuyên truyền, phòng ngừa trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc tuyên truyền còn dàn trải và chưa có nhiều chương trình có tính chất chuyên đề, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ và chưa tập trung mạnh mẽ vào đối tượng có nguy cơ cao, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Nhiều thanh thiếu niên khi bị bắt cho rằng ma túy tổng hợp không gây nghiện dẫn đến việc lạm dụng. Mặt khác do ảnh hưởng của cuộc sống hiện tại với sự phát triển của Internet, mạng xã hội dẫn đến một bộ phận giới trẻ liều lĩnh, có lối sống buông thả, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội. Do vậy, việc tiếp tục tuyên truyền về tác hại, hiểm họa của ma túy, kỹ năng phòng tránh các loại ma túy mới, các mô hình cai nghiện ma túy hiệu quả, những câu lạc bộ, cán bộ tình nguyện làm công tác cai nghiện ma túy, tấm gương cai nghiện ma túy thành công… là rất cần thiết. Làm tốt công tác vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở của Thành phố, tuyên truyền, tư vấn và điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng Methadone...
Theo ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - văn xã, Văn Phòng Chính phủ, tuyên truyền dự phòng không phải là biện pháp mới nhưng hiệu quả nhất trong các biện pháp, cần triển khai tập trung. “Nếu làm tốt công tác tuyên truyền có thể vừa giảm cung, vừa giảm cầu. Dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của dịch bệnh”.
Cùng quan điểm, Thượng tá Ngô Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho rằng, vừa rồi chúng ta làm công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 rất hiệu quả. Mọi người tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như tự giác sát khuẩn tay nơi công cộng, tự giác đeo khẩu trang khi ra đường. Vậy phòng chống ma túy, cũng phải tuyên truyền làm sao để mọi người thay đổi nhận thức, nghe đến ma túy là phải tránh xa./.
Minh Hòa
Từ khóa:
-
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
13-12-2024 18:08 47
-
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện
28-12-2024 16:14 37
-
Tọa đàm bảo vệ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em tỉnh An Giang
25-12-2024 14:51 01
-
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
27-12-2024 08:20 45
-
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
26-12-2024 22:50 46
-
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
26-12-2024 16:46 33