Từ việc tích cực triển khai hỗ trợ người dân thụ hưởng dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhiều hộ khó khăn đã từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của địa phương trong thời gian qua.
Theo ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Thị xã Ngã Năm cho biết: trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thị xã Ngã Năm được tỉnh Sóc Trăng bố trí nguồn vốn trên 5.628.000.000 đồng, trong đó ngân sách trung ương (vốn sự nghiệp) trên 5.111.000 đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 516.000.000 đồng. Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các đơn vị, địa phương đã kịp thời tổ chức phân bổ, triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình.
Tính đến cuối năm 2023 địa phương đã giải ngân đạt 4.123.660.000 đồng, trong đó ngân sách trung ương ( vốn sự nghiệp) 3.801.860.000 đồng, ngân sách địa phương đối ứng 321.800.000 đồng, đạt tỷ lệ 73%. Điểm nổi bật trong triển khai các dự án và tiểu dự án đó là dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án 2) được hỗ trợ trên 2.195 triệu đồng ( trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 1.995 triệu đồng, ngân sách địa phương 200 triệu đồng), địa phương đã triển khai được được 08 mô hình trên địa bàn thị xã với 163 hộ hưởng lợi, bao gồm hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho đối tượng của Chương trình.
Ngoài ra, cũng từ nguồn vốn trên địa phương đã triển khai được nhiều mô chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, điển hình như mô hình: Nghề đan đát vốn là nghề truyền thống phát triển mạnh ở thị xã Ngã Năm. Nhiều hộ dân ở địa phương không có đất canh tác, cuộc sống bấp bênh sau khi được tạo điều kiện học nghề đan đát đã có thu nhập ổn định. Như gia đình ông Nguyễn Phước Hữu ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, trước đây làm thuê, làm mướn kiếm sống. Sau khi học nghề đan lục bình do chính quyền địa phương phát động, hiện gia đình ông Hữu đã “có nghề”, nhận gia công các sản phẩm đan đát với thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày. Hiện tại, ở ấp Vĩnh Hòa có 90% hộ làm nghề đan lục bình, với thu nhập bình quân từ 70.000 - 100.000 đồng/người/ngày. Mô hình đan lục bình không chỉ phát triển mạnh ở ấp Vĩnh Hòa mà còn nhân rộng ra các ấp Vĩnh Kiên, Vĩnh Đồng, Vĩnh Trung… qua đó góp phần tăng thu nhập cho bà con địa phương.
Hay như anh Ngô Vũ Hùng ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt ngắn hạn và chuyển giao kỹ thuật trồng cây mãng cầu gai do địa phương tổ chức. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về cây mãng cầu gai, anh Hùng mạnh dạn chuyển đổi 0,3ha đất trồng lúa sang trồng cây mãng cầu gai. Nhờ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hiệu quả, hiện 300 gốc mãng cầu gai của anh Hùng cho thu hoạch khá, trung bình mỗi năm đạt lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
Có thể thấy, thời gian qua, từ việc triển khai các dự án, tiểu dụ án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn Thị xã Ngã Năm từng bước được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đào tạo nghề giải pháp đột phá trong công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững đổi với lao động nông thôn ở Thị xã Ngã Năm trong thời gian qua
Bên cạnh đó, các dự án, tiểu dự án như: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn với tổng nguồn vốn được hỗ trợ là 893 triệu đồng, địa phương cũng đã triển khai tổ chức được 16 lớp đào tạo nghề cho 320 lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Đồng thời, tổ chức được 07 phiên giao dịch việc làm với trên 1.093 người lao động tham gia. Công tác tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm thực hiện đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, tập trung vào nội dung thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tuyển sinh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giới thiệu hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các chính sách hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm,… thông qua việc tổ chức các điểm tư vấn, người lao động có cơ hội trực tiếp trao đổi những nội dung mình quan tâm khi tham gia thị trường lao động, từ đó lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ, khả năng, yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.
Theo đánh giá, các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã tập trung đầu tư, hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở Thị xã Ngã Năm trong năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận được các chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản tổ chức quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình; Nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương đối ứng và huy động các nguồn lực khác cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.
Bên cạnh đó, việc triển khai cùng lúc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đa dạng nhiều dự án cho người dân thụ hưởng đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở Thị xã Ngã Năm còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Phạm vi, đối tượng một số dự án khó thực hiện như tiểu dự án 1 thuộc dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn) do đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đa phần đã được hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu và nguồn vốn ngân sách tỉnh hằng năm, đối tượng không còn nhiều để mở lớp đào tạo, trong khi hộ nghèo, cận nghèo giảm theo từng năm và không có phát sinh mới. Đối với người lao động có thu nhập thấp, hiện tại Trung ương vẫn chưa ban hành hướng dẫn tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp nên chưa thể mở lớp đào tạo cho đối tượng này.
Đồng chí Lục Bích Phúc – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm nổi bật trong thời gian qua là ở Thị xã Ngã Năm đã triển khai có hiệu quả các nguồn vốn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Thị xã Ngã Năm và chính quyền các cấp, đoàn thể tham gia tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó địa phương đã có nhiều cá nhân, mô hình điển hình tiên tiến phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn, hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân vào chương trình giảm nghèo bền vững”.
Từ việc tích cực triển khai hỗ trợ người dân thụ hưởng dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các tiểu dự án hỗ trợ nhiều hộ khó khăn đã từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của địa phương trong thời gian qua.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Sóc Trăng được bố trí nguồn vốn trên 136 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 126 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 9,7 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các đơn vị, địa phương đã kịp thời tổ chức phân bổ, triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình. Trong đó, với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án 2) được hỗ trợ trên 35 tỷ đồng, toàn tỉnh đã triển khai 101 mô hình với hơn 1.860 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia, Bà Lục Bích Phúc chia sẻ.
Ba Phúc cũng cho biết, vừa qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 27/2/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Kế hoạch đã đề ra 12 mục tiêu cụ thể phấn đấu thực hiện đạt trong năm 2024, trong đó có mục tiêu giải quyết việc làm cho 6.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đào tạo nghề cho 3.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh là trên 98,3 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác./.
Hoàng Cảnh
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55