Điểm sáng về đào tạo nghề cho cho con em dân tộc ở Yên Bái
(LĐXH)- Là đơn vị công lập trực thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái, tiền thân là Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ được thành lập năm 2004, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho lao động thuộc khu vực phía Tây và toàn tỉnh Yên Bái.
Hiện nhà trường được cấp phép đào tạo 12 chuyên ngành hệ trung cấp, 26 chuyên ngành hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, dạy nghề phổ thông và bổ túc THPT nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đã và đang liên kết, phối hợp đặt địa điểm đào tạo với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo các trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đại học, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ…
Sau 13 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo, liên kết, phối hợp, hỗ trợ đào tạo cho trên 23.000 học sinh, sinh viên, học viên trong đó: hệ trung cấp nghề với trên 1.500 học sinh; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng với trên 6.000 học viên; dạy nghề phổ thông, tin học, ngoại ngữ với gần 13.000 học viên; học sinh THPT với gần 3.000 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ban đầu chỉ với 3 người, đến nay đã được tăng cường, bổ sung 49 cán bộ, giáo viên nhân viên.
Học viên trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ tại lớp học cắt may
Khuôn viên nhà trường được xây dựng trên diện tích hơn 1,4ha với những khu nhà hiệu bộ, khu giảng đường, khu nhà xưởng thực hành, nhà công vụ giáo viên, ký túc xá học sinh, nhà ăn, sân chơi thể dục, thể thao... Thiết bị dạy nghề được đầu tư theo 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia: nghề hàn, nghề may thời trang, nghề kỹ thuật máy nông nghiệp. Với nhiệm vụ đào tạo nghề cho đồng bào người dân tộc thiểu số, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đang đào tạo cho gần 300 học sinh hệ trung cấp nghề Dân tộc nội trú, học sinh được hưởng chế độ chính sách học bổng theo Quyết định 53/QĐ-TTg với mức hỗ trợ từ 726.000 đồng đến 1.210.000 đồng/tháng/học sinh được hưởng 12 tháng/năm. Học sinh được ở tại ký túc xá nhà trường với phòng khép kín đầy đủ tiện nghi nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các em học tập, ăn ở, sinh hoạt trong suốt thời gian học tập tại nhà trường.
Hiệu trưởng nhà trường, ông Lâm Tuấn Khanh, cho biết: “Chúng tôi định hướng phát triển trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ thành trường trọng điểm của khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái, từng bước tiếp cận, hội nhập trình độ đào tạo nghề ở khu vực phía Bắc và trong toàn quốc; cung cấp lao động kỹ thuật có chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, nhà trường luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng cho học sinh có ý thức công dân, có kỹ năng sống và đủ năng lực cần thiết tự tin để thích ứng với thời đại hội nhập quốc tế”.
Với đặc thù là đào tạo lao động chất lượng cho khu vực, trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ rất coi trọng công tác tuyển sinh, đào tạo và việc việc làm cho học viên. Năm học 2016-2017 này, ngay từ đầu năm, nhà trường đã chú trọng xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức kiện toàn hội đồng tuyển sinh và xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tập trung quyết liệt cho công tác tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh nhà trường được thành lập và tiến hành giao khoán chỉ tiêu tuyển sinh đến các phòng, khoa; thành lập và phân công nhiệm vụ Ban tuyển sinh trực tiếp đi tuyển sinh, gửi thông báo tuyển sinh tới các địa phương, đơn vị trường học trên địa bàn các huyện của tỉnh. Trường phối hợp với Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề, các chính sách hỗ trợ học nghề. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tham gia vận động, chiêu sinh và tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại các thôn bản; giới thiệu về các ngành nghề đào tạo trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, xây dựng mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp và địa phương; tăng cường trong công tác tuyên truyền, đưa chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm và giảm nghèo đến tận cộng đồng dân cư, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong công tác dạy nghề ở địa phương.
Nhà trường cũng tiến hành rà soát số lượng học sinh THCS và THPT tại các huyện, thị trong tỉnh qua kênh các Phòng Giáo dục đào tạo, Phòng Dân tộc các huyện, thị và các trường trên địa bàn, qua đó xây dựng chương trình làm việc giữa Ban Giám hiệu với các đơn vị, nhằm nắm bắt tình hình, tạo điều kiện thuận lợi khi tổ tuyển sinh xuống làm việc. Sau đó, triển khai hội nghị tuyển sinh, thành lập các tổ tư vấn trực tiếp tại các THCS, THPT trên địa bàn. Tích cực triển khai công tác phối hợp đào tạo, tổ chức các lớp, các chương trình tập huấn; phối hợp với các cơ sở dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để mở các lớp và đặt địa điểm đào tạo hệ cao đẳng nghề.
Trong năm 2016, nhà trường tuyển sinh được 54 lớp với 1912 học sinh, học viên. Cụ thể, hệ trung cấp nghề 240, đạt 100% chỉ tiêu cấp kinh phí; đào tạo liên kết hệ trung cấp nghề: 3 lớp với 98 học sinh; đào tạo nghề theo Đề án 1956 với 14 lớp, 402 học viên; chương trình bổ túc THPT: 2 lớp với 97/90 học sinh, đạt 108% kế hoạch giao; đào tạo dạy nghề phổ thông: 27 lớp với 1043/889 học sinh, đạt 117%; bồi dưỡng nghiệp vụ 01 lớp 32 học sinh… Theo thống kê, kết quả học sinh có việc làm sau tốt nghiệp đạt 80%, trong đó trung cấp nghề đạt 70%, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng đạt 90%.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm nay, lãnh đạo nhà trường xác định: Với mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được UBND, ngành LĐTB&XH giao trong năm 2017, đồng thời xây dựng nhà trường từng bước chính quy, hiện đại, là địa chỉ đào tạo nghề tin cậy trong tỉnh, nhà trường xác định rõ phải tập trung mọi cố gắng để giải quyết những vấn đề trọng tâm năm. Đó là đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tỉnh giao, mở các lớp đào tạo trình độ trung cấp nghề, liên kết đào tạo trình độ cao đẳng nghề theo chỉ tiêu được giao trong năm 2017. Tiếp tục duy trì và ổn định các lớp đã mở, đảm bảo về chất lượng và số lượng đào tạo. Tăng cường liên kết đào tạo các hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Tiếp tục duy trì và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề; công tác chăm nuôi học sinh dân tộc nội trú.
Tiếp tục công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cơ hữu của nhà trường nhằm đáp ứng được quy mô đào tạo. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, dạy vă hóa, dạy nghề phổ thông đặc biệt quan tâm đến các giáo viên về trình độ chuyên môn, kỹ năng ghề. Tập trung làm tốt công tác dạy nghề phổ thông và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh theo các chủ đề quy định của Bộ GD&ĐT; dạy nghề cho người lao động trên địa bàn, công tác liên kết đào tạo tạo nguồn lao động cho địa phương. Biên soạn lại chương trình đào tạo hệ trung cấp nghề, bổ sung thêm một số môn học để các em hoàn thiện về nhân cách, các kỹ năng sống cần thiết, kiến thức, ý thức trong môi trường làm việc công nghiệp cũng như hội nhập quốc tế hiện nay. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, uốn nắn, điều chỉnh, bổ sung việc thực hiện kế hoạch đào tạo của các khoa, tổ chuyên môn và các cá nhân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho đón học sinh mới năm học 2017 - 2018. Trường cũng quan tâm tổ chức tốt việc ăn, ở, sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho học sinh nội trú. Thường xuyên chăm lo đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức các chương trình ngoại khóa, giao lưu, câu lạc bộ, dưới nhiều hình thức sân chơi bổ ích, lý thú, tạo không khí vui tươi sôi nổi trong trường.
Với những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ - viên chức nhà trường, trong những năm qua, nhà trường được tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen của Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Dạy nghề, UBND tỉnh Yên Bái, Sở LĐTB&XH Yên Bái… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhà trường vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như công tác phối hợp tuyển sinh nghề với các xã, phường, thị trấn, trường học còn chưa thống nhất, một số đơn vị còn chưa nhiệt tình cho công tác tuyển sinh và đào tạo. Đa số các cở sở giáo dục THCS và THPT chưa thực hiện tốt công tác phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Chính vì thế, học sinh chưa định hướng cũng như chọn được nghành nghề học phù hợp với năng lực của mình. Học sinh phần lớn là con em người dân tộc thiểu số vùng cao, do đó nhận thức còn hạn chế; trong khi đó, thị trường lao động chưa thực sự thu hút người học làm nghề sau đi học.
Từ thực tiễn hoạt động dạy nghề trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đề nghị với UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH, Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái và các ban ngành chức năng có liên quan tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên được tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; được tham gia các khóa tập huấn về năng lực quản lý, kỹ năng nghề; tăng cường giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề giáo viên dạy kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV, cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề, bố trí vốn đầu tư các hạng mục nhà ký túc xá, nhà đa năng đường nội bộ, các đồ dùng sinh hoạt cần thiết phục vụ cho học sinh nội trú.../.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47