Xã hội
Điện Biên: Giảm nghèo hiệu quả bởi nỗ lực từ nhiều phía
10:15 AM 25/02/2021
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện trên 2.345 tỷ đồng Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập, năng lực sản xuất và ý chí vươn lên của người nghèo đã được nâng lên, giảm rõ rệt sự trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.


Trồng cây có giá trị kinh tế cao là hướng giảm nghèo hiệu quả.  Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) chăm sóc cây bưởi.


Người nghèo nỗ lực vươn lên

Trước đây gia đình ông Lường Văn Thoan ở bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) là một trong những hộ nghèo có “thâm niên” của xã, bởi ngoài mảnh nương trồng 1 vụ lúa/năm, gia đình ông Thoan không có thêm thu nhập nào khác. Ðộng lực thoát nghèo của ông Thoan bắt đầu từ năm 2016, khi ông được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để mua đôi trâu sinh sản. Ông Thoan đã đầu tư làm chuồng nuôi, trồng cỏ làm thức ăn chứ không thả rông trâu như nhiều hộ khác. Sau 3 năm, lứa nghé đầu tiên ra đời, từ tiền bán nghé ông lại mua thêm trâu để mở rộng chăn nuôi. Cứ thế, vừa làm, vừa tích góp trả lãi ngân hàng, mỗi năm gia đình ông Thoan thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình ông đã thoát nghèo và trả hết nợ ngân hàng. Nỗ lực, ý chí vượt khó của ông Thoan đã tạo động lực cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo, nhiều hộ nghèo đã chủ động làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Với họ, xin thoát nghèo không hẳn vì đã hết khó khăn, thiếu thốn mà vì họ nhận thức được trách nhiệm phải vươn lên, sẻ chia những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. 

Trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2020 trên địa bàn huyện Mường Chà, một trong những người tiên phong xin thoát nghèo là anh Cháng A Dế ở bản Huổi Quang 2, xã Ma Thì Hồ.

Anh Dế chia sẻ: Năm 2015, sau khi lập gia đình, ra ở riêng, vợ chồng tôi không có việc làm ổn định, thiếu vốn sản xuất, chưa biết cách làm ăn... vì vậy nhiều năm qua gia đình tôi luôn thuộc diện hộ nghèo của bản. Suy nghĩ mình còn trẻ, đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo mà cứ trông chờ hỗ trợ của Nhà nước khiến tôi thấy xấu hổ. Bởi vậy tôi bàn với vợ quyết định viết đơn xin thoát nghèo để nhường lại hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn và cũng là để gia đình nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Những giải pháp phù hợp

Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. HÐND tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù để thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương tập trung rà soát, triển khai những giải pháp giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo.

Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả và tận dụng đất trống, đồi trọc để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là một trong những hướng đi được huyện Mường Ảng lựa chọn, bước đầu mang lại hiệu quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Cùng với tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể người dân làm thủ tục chuyển đổi; hỗ trợ thêm về cây giống, kỹ thuật để nông dân yên tâm sản xuất. Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn các Chương trình 30a, 135, huyện Mường Ảng đã thực hiện hỗ trợ trên 1.400 máy móc, nông cụ phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ giống cây giá trị kinh tế cao; thuốc bảo vệ thực vật… cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thực hiện 18 mô hình giảm nghèo với trên 500 hộ dân tham gia. Ðến nay huyện Mường Ảng đã chuyển đổi 300ha đất nương, vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Ðài Loan, cam và chanh leo. Trong đó, 138ha do Nhà nước hỗ trợ giống cây, trồng chủ yếu tại 5 xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Búng Lao, Mường Lạn; 70ha cam lòng vàng, cam V2 và bưởi da xanh, ổi do các doanh nghiệp đầu tư; khoảng 50ha do người dân tự trồng… Nhiều diện tích đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. Lựa chọn hướng đi phù hợp đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện bình quân trên 6%/năm, là huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân cao nhất tỉnh.

Ðối với huyện Mường Chà, xác định một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do thiếu vốn sản xuất, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mường Chà có 6.406 lượt hộ nghèo, 5.395 lượt hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách. Thông qua nguồn vốn chính sách, người dân trên địa bàn yên tâm bám đất, bám bản phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và dựng xây cuộc sống mới. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 66,79% (năm 2016) còn 49,2% (năm 2020).

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững tỉnh cho biết: Mỗi địa phương có đặc thù riêng nên cách giảm nghèo cũng khác nhau, song tựu chung là các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được thực hiện hiệu quả. Nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. 5 năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ các chương trình giảm nghèo, đã có hơn 650 công trình được đầu tư xây mới, duy tu, bảo dưỡng; trên 30.000 lượt hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất; gần 2.780 lượt hộ được hỗ trợ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang với diện tích hơn 633,65ha… Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 48,14% (cuối năm 2015) ước đến cuối năm 2020 còn 30,67%, vượt mục tiêu Nghị quyết HÐND tỉnh đề ra./.

Thu Hằng

Từ khóa: