Xã hội
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
12:29 PM 16/12/2024
(LĐXH) – Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bản hòa nhập cộng đồng… và đang có những kết quả tích cực…
Tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền để người dân cảnh giác và chủ động ngăn chặn tệ nạn mua bán người
Theo đó, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ (Quyết định số 193/QĐ-TTg) và Kế hoạch Hỗ trợ nạn nhân bị mua bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Quyết định số 525/QĐ- LĐTBXH) từ Trung ương đến cơ sở đã được thực hiện thông suốt. Các Bộ ban ngành của Trung ương và các Sở ban ngành ở địa phương đã tham gia vào quá trình lập kế hoạch ngay từ giai đoạn ban đầu, giúp phân công nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch.
Các hoạt động truyền thông được thực hiện trên toàn quốc, xuống đến tận xã, phường, thôn, bản; huy động, khuyến khích được nhiều cơ quan, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, hưởng đến mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của người dân về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người; quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bản nói riêng, giúp giảm nguy cơ bị mua bản cho nhóm đối tượng nguy cơ cao và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất cho nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, công tác tập huấn nâng cao năng lực từng bước được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Nhiều khóa tập huấn do Trung ương và các tổ chức quốc tế tổ chức cho cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc ngành Công an, Biên phòng, Lao động – Thương binh và Xã hội đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tuyến đầu, đặc biệt là các kỹ năng tiếp nhận và hỗ trợ dựa trên quyền và kiến thức về sang chấn tâm lý…
Việc lồng ghép công tác phòng, chống mua bản người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em đã được thể hiện trong các văn bản và công tác chỉ đạo từ Quốc hội đền Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố và trong phạm vi nhất định, việc lồng ghép đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân, đồng thời, tiết kiệm nguồn lực.
Nhìn chung, nạn nhân bị mua bán được tiếp cận và hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu (ăn, nghỉ, chi phí đi lại…) và được giới thiệu đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp (tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, học nghề, việc làm...) để từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, các cơ sở trợ giúp xã hội (cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm công tác xã hội) được giao thêm chức năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bản đang tiếp tục được củng cố, cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và từng bước hoàn thiện về quy trình hỗ trợ đã tạo điều kiện giúp nạn nhân đẩy nhanh thời gian tái hoà nhận cộng đồng…
Công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật được các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố quan tâm thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng định kỳ đi đánh giá thực tế tại các địa phương cũng như chủ động tổ chức các phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về mua bán người và hỗ trợ nạn nhân. Qua đó, yêu cầu các Bộ, ngành giải trình về những kết quả, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bản người và hỗ trợ nạn nhân thuộc chức năng quản lý của từng Bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đưa ra kiến nghị, yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để mua bán người ngày càng được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Qua các đợt thanh tra mặc dù chưa phát hiện những vi phạm liên quan trực tiếp đến dấu hiệu mua bán người nhưng những phát hiện việc thu phí không đúng quy định, thời gian cung cấp kiến thức chưa đảm bảo… cũng góp phần ngăn ngừa việc lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lợi dụng để làm những việc sai trái…
Công tác thu thập dữ liệu về phòng, chống mua bản người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đang từng bước đi vào nề nếp, phục vụ hiệu quả cho việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành đối với công tác này. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, các hoạt động hợp tác quốc tế giúp các Bộ ngành, địa phương có thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế giúp Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức và các nước trong khu vực, trên thế giới trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán có thể áp dụng vào thực tiễn công tác ở Việt Nam./.
NHB