Xã hội
Nam Định nỗ lực giảm nghèo bền vững
09:46 AM 12/11/2024
(LĐXH)- Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện công tác giảm nghèo và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, chương trình giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự lãnh đạo toàn diện của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh. Các thành viên Ban chỉ đạo là cơ quan chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án có sự phối hợp, thống nhất trong công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) định kỳ tổ chức Hội nghị đánh giá việc triển khai, thực hiện Chương trình giảm nghèo với các huyện, thành phố để từ đó xác định những khó khăn, tồn tại và bàn những biện pháp để thực hiện chương trình tốt hơn.
Để triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo: Sở LĐTBXH đã phối hợp với các Sở, Ngành tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND, UBND tỉnh ban hành 03 Nghị quyết; 04 Quyết định, 13 Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Các Sở, Ngành liên quan của tỉnh đã chủ động ban hành văn bản để hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện các Dự án/Tiểu dự án của chương trình.
Trong 3 năm qua, hơn 2.900 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được hỗ trợ mô hình sinh kế phù hợp để thoát nghèo bền vững
Sở LĐTBXH, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho các lãnh đạo và cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã về các chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổ chức tuyên truyền về công tác giảm nghèo với nhiều hình thức, qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững.
Đến 31/10/2024, tỉnh đã giải ngân được 55,22 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch vốn được giao cho Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững của cả giai đoạn. Ước thực hiện đến hết năm 2024, giải ngân được hơn 63 tỷ đồng, đạt 41,6% kế hoạch vốn được giao của cả giai đoạn. Trong đó tính riêng năm 2024 (đến 31/10/2024) giải ngân được 25,76 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch vốn được giao năm 2024. Ước thực hiện đến hết năm 2024, giải ngân được 33.600 triệu đồng, đạt 91,4% kế hoạch vốn được giao năm 2024.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện cơ bản đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Các mô hình dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ xây dựng, nhân rộng.
Với 172 dự án được triển khai tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, hơn 2.900 hộ gia đình đã được hỗ trợ mô hình sinh kế phù hợp như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt hoặc các nghề thủ công truyền thống. Những mô hình này không chỉ cải thiện thu nhập mà còn giúp các hộ thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, 85 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn đã được triển khai, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 1.700 hộ. Ngoài ra, 22 lớp đào tạo nghề với sự tham gia của hơn 650 học viên đã mở ra những cơ hội việc làm mới cho người lao động tại địa phương.
Chương trình giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 156/161 xã, thị trấn (chiếm 96,9% tổng số xã, thị trấn) được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 41/146 (chiếm 28% tổng số xã) đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm từ 6,78% xuống còn 3,85% (giảm 2,93%). Trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,74% xuống còn 1,09% (giảm 0,65%, 4.047 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,04% xuống còn 2,76% (giảm 2,28%, 14.259 hộ). Ước cuối năm 2024 tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) trên địa bàn tỉnh là 3,38%.
Hải Uyên
Từ khóa: