Xã hội
Điện Biên: Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn
04:29 PM 04/12/2024
(LĐXH) - Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều hoạt động khắc phục hậu quả của bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh; cũng như tích cực hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân và gia đình của nạn nhân bom mìn, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn.
Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn
Trong những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều khu vực của tỉnh Điện Biên bị đánh phá ác liệt. Sau chiến tranh, trên địa bàn vẫn còn sót lại số lượng lớn bom mìn, vật nổ, gây khó khăn không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt tai nạn bom mìn, vật nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiệm trọng ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Chính vì vậy, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp rà phá, khắc phục bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh vì mục tiêu đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Qua kết quả điều tra khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ, năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 59.620ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ cần khắc phục để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống cho nhân dân.
Lực lượng chức năng tiến hành xử lý bom mìn sót lại sau chiến tranh trong khu dân cư
Giai đoạn 2006 - 2022, với sự hỗ trợ của Trung ương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực thực hiện 4 dự án rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Kết quả đã thực hiện rà phá sạch bom mìn, vật nổ được gần 5.000ha/59.620ha. Bao gồm: Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (100ha); Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào (413ha); Dự án Rà phá bom mìn theo Quyết định 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 (1.630ha) và hạng mục rà phá bom mìn thuộc các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (2.477ha). Qua công tác rà soát, các cơ quan chuyên môn đã thu gom và phá hủy được 82 quả bom các loại, trên 122.000 quả mìn, đạn pháo cối, vật nổ, có thể phát nổ gây sát thương cho con người, vật nuôi, phá hoại công trình nhà cửa… Diện tích đất sạch sau khi đã xử lý bom mìn, vật nổ được chính quyền, nhân dân trong vùng dự án khai thác hiệu quả, đem lại nguồn lợi kinh tế, giúp bà con yên tâm khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích đất sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bom mìn, vật nổ và những biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ cũng được chú trọng. Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân đặc biệt là các em học sinh về cách nhận biết và phòng tránh tai nạn bom mìn. Cách thức tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu giúp người dân và các em học sinh chủ động tham gia và có nhận thức tốt hơn đối với hậu quả của bom mìn cũng như cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ. Giai đoạn 2006 - 2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng tổ chức tuyên truyền trực tiếp hàng trăm buổi với hàng nghìn lượt người tham gia. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải trên 1.000 tin, bài và trên 300 video tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bom mìn, vật nổ.
Những năm qua, tỉnh cũng quan tâm rà soát chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn; thực hiện lồng ghép, huy động tối đa các nguồn lực phục vụ công tác phòng tránh tai nạn bom mìn, khắc phục hậu quả bom mìn; chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, chăm sóc cho nạn nhân bom mìn sau chiến tranh gắn với tạo sinh kế cho người dân để ổn định và đảm bảo đời sống.
Tiếp tục rà phá bom mìn, trả lại màu xanh cho đất
Mặc dù các cấp, ngành của tỉnh Điện Biên đã rất tích cực trong công tác rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn (trong đó có khoảng 6.700ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng nề). Do đó, cần triển khai rà phá bom mìn một cách nhanh nhất để giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đặc biệt giảm thiểu tai nạn không đáng có do bom mìn, vật nổ gây ra cho người dân. Để có thêm nguồn lực giúp thực hiện hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, UBND tỉnh Điện Biên đang đề xuất các cơ quan Trung ương phê duyệt bố trí đầu tư nguồn vốn để thực hiện đề án “Rà phá bom mìn, vật nổ giải phóng đất đai, tạo sinh kế cho nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên (giai đoạn 2023 – 2025)”.
Mục tiêu của dự án là dò tìm xử lý sạch các loại bom, mìn, vật nổ và các loại mảnh bom đạn còn sót lại sau chiến tranh trên các khu vực đông dân cư, khu vực sản xuất đất nông – lâm nghiệp và các khu vực có quy hoạch phát triển hạ tầng  - kỹ thuật. Quy mô đầu tư và địa điểm đầu tư là chức khảo sát, lập phương án kỹ thuật, dự toán chi tiết rà phá bom mìn, vật nổ trên địa bàn huyện Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông với độ sâu rà phá từ 0,3m đến 3m trên diện tích khoảng 6.700 ha. Cụ thể: Huyện Mường Nhé 700 ha (tại các khu vực xã Leng Su Sìn, xã Mường Nhé). Huyện Điện Biên 3.000 ha (tại các khu vực xã Thanh Hưng, Thanh Chăn, Sam Mứn). Huyện Điện Biên Đông 3.000 ha (tại các xã Keo Lôm, Pú Nhi, Na Ư). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 150 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến năm 2023-2025.
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực huy động các nguồn lực tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Minh Phương
Từ khóa: