Điện Biên nỗ lực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ vượt qua mặc cảm và tái hòa nhập cộng đồng.
Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có đường biên giới giáp với 2 nước Trung Quốc và Lào dài gần 400km. Trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mặt khác, do tỷ lệ thất nghiệp cao nên dẫn đến tình trạng người dân di cư tự do có chiều hướng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân, điều kiện thuận lợi để các đối tượng phạm tội lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo đưa người ra nước ngoài bán.
Mặc dù đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, song do tâm lý nhẹ dạ, cả tin, một phần do tác động của phong tục, tập quán dân tộc nên số nạn nhân bị mua bán vẫn còn nhiều, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ. Các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn để lừa gạt các nạn nhân dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc tìm cách tiếp cận, làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn rồi đưa nạn nhân qua biên giới bán cho các đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép đi làm gái mại dâm.
Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 189 nạn nhân bị mua bán trở về. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và hỗ trợ cho 14 nạn nhân bị mua bán được giải cứu trở về. Do nạn nhân trở về với nhiều hình thức khác nhau như: Được giải cứu trong các vụ mua bán người, được giải cứu khi trên đường bị đưa đi bán, hoặc những nạn nhân bị mua bán trở về theo những con đường khác. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Công an và chính quyền địa phương tiếp nhận, hỗ trợ các điều kiện cần thiết, đảm bảo cho các nạn nhân nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cồng đồng; Trợ cấp khó khăn ban đầu trong những năm qua không thực hiện do nạn nhân không thuộc hộ nghèo.
Ngoài chính sách hỗ trợ nạn nhân từ nguồn ngân sách của nhà nước, tỉnh Điện Biên đã huy động được sự hỗ trợ từ các tổ chức khác cho 72 nạn nhân, gồm: Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam, Nhà nhân ái tỉnh Lào Cai. Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã hỗ trợ cho 50 nạn nhân, với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, gồm các nội dung: Chi phí sinh hoạt hàng tháng cho các đối tượng là nạn nhân và có nguy cơ cao bị mua bán; chi phí đào tạo nghề; chi phí học tập cho các đối tượng là nạn nhân và có nguy cơ cao bị mua bán; Hỗ trợ phụ nữ bị buôn bán trở về; xây dựng trường học; hỗ trợ các hoạt động nhóm trẻ; khám chữa bệnh và tổ chức các buổi truyền thông về sức khỏe; tổ chức sự kiện; thăm và tặng quà cho các nạn nhân. Từ năm 2017 đến nay, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã hỗ trợ về kinh phí để thực hiện việc giải cứu và hỗ trợ cho 11 nạn nhân, trong đó: Giải cứu 03 vụ mua bán người với 05 nạn nhân, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 6 nạn nhân, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 400 triệu đồng, gồm các nội dung: Hỗ trợ khó khăn ban đầu, tiền ăn, nghị dọc đường, tiền xăng xe, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu…; hỗ trợ bò giống và hỗ trợ làm chuồng nuôi bò, trị giá 193 triệu đồng. Nhà Nhân ái tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận lưu trú, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho 11 nạn nhân.
Công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về hỗ trợ nạn nhân cũng được chú trọng. Trong những năm qua Sở LĐTBXH thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với các lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm. Trong 2 năm 2016, 2017, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội bố trí kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị để thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá đường dây nóng phòng chống mua bán người 18001567 thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh như: Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh, tổng kinh phí thực hiện là hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra còn tuyên truyền lồng ghép với các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; lồng ghép tuyên truyền bảo vệ chăm sóc trẻ em; về quản lý ca… cho gần 10.000 người.
Trong thời gian tới, Điện Biên sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là người dân sống ở những nơi tiếp giáp đường biên giới đề cao cảnh giác và tự bảo vệ mình trước thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, giúp người dân tiếp cận các chế độ chính sách của nhà nước; Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và giải quyết tốt các chính sách chế độ đảm bảo 100% nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ ổn định tâm lý trở về tái hòa nhập cộng đồng; Hướng dẫn Phòng LĐTBXH các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về để kịp thời lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy định…/.
Minh Hưng
Từ khóa:
-
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
03-01-2025 20:40 19
-
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
03-01-2025 17:05 48
-
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
03-01-2025 15:22 03
-
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
14-12-2024 23:46 28
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
16-12-2024 23:42 17
-
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
07-10-2024 23:41 45